T-54 được Liên Xô thiết kế từ giai đoạn cuối Thế chiến 2 và bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 1947. Còn chiếc T-55 đầu tiên được sản xuất năm 1958. Mấy thập kỷ liền, xe tăng T-54, T-55 đóng vai trò xe tăng chủ lực trong quân đội nhiều nước và đã tham chiến ở nhiều mặt trận khác nhau từ châu Âu tới Trung Đông, từ châu Á tới châu Phi. Ở Việt Nam, ngay từ lần đầu tiên xuất hiện T54 đã gây cho kẻ thù nhiều cơn ác mộng. Nó là lực lượng xung phong tuyến đầu trong các trận đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tham gia rất nhiều trận đánh lớn, như: Đường 9 Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ (từ ngày 1/4/1972-19/1/1973), Chiến dịch Trị- Thiên năm 1972. Đặc biệt, trong Chiến dịch Đắk Tô-Tân Cảnh chiếc T54 mang số hiệu 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã lập chiến công hiển hách và đi vào huyền thoại của lịch sử Binh chủng Tăng – Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đắk Tô - Tân Cảnh vốn là căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 1972, ở đây có 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh và 4 tiểu đoàn thiết giáp. Phần lớn lực lượng được bố trí ở dãy cao điểm phía Tây sông Pô Kô, hình thành tuyến phòng ngự lâm thời từ xa bảo vệ thị xã Kon Tum. Cụ thể gồm các đơn vị: Sư đoàn 22, Lữ đoàn Dù 2, một liên đoàn Biệt động quân cùng các chi đoàn xe tăng, pháo, k. Toàn căn cứ được bố phòng chặt chẽ. Ngoài cùng là hàng rào mìn, tiếp đó là 8 – 12 lớp rào kẽm gai bùng nhùng, rồi đến hàng rào phòng thủ. Hàng rào phòng thủ được cấu tạo bởi gần 40 lô cốt, các lô cốt được nối với nhau bởi giao thông hào và các công sự chiến đấu; ngoài ra còn có sự yểm trợ bằng B-52 của Hoa kỳ. Bọn địch ở căn cứ Trung đoàn 42 Đăk Tô – Tân Cảnh đã huyênh hoang: “Bao giờ nước sông Pô Cô chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Đăk Tô – Tân Cảnh”.
Toàn bộ căn cứ này do Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh Ngụy trực tiếp chỉ huy. Đứng đầu là Đại tá Lê Đức Đạt, quyền Tư lệnh Sư đoàn và các Đại tá Tôn Thất Hùng, Vi Văn Bình.
Quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương và Khu uỷ V, ngay từ cuối năm 1971, Tỉnh uỷ Kon Tum đã tập trung sức lãnh đạo quân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, triển khai mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân - Hè, quyết tâm giành thắng lợi.
Để thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến dịch và để tiện việc chỉ huy, tháng 02/1972, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thành sở chỉ huy tiền phương của mặt trận đứng chân ở phái Đông Đăk Tô - Tân Cảnh, gọi tắt là mặt trận cánh đông…
Ngày 02/4/1972, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng hoàng loạt trận đánh của Sư đoàn 320 vào các tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Kô. Với sự có mặt của bộ đội tăng thiết giáp và các đơn vị bộ binh khét tiếng trên các chiến trường hội tụ về như Sư đoàn 320 từ Trị Thiên vào, Sư đoàn 02 từ Quảng Nam lên,…chủ lực ta quyết tâm tiêu diệt tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum mà Mỹ - ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào các chiến trường. Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn 37 Đặc công và 1 Đại đội xe tăng T54 có nhiệm vụ tiêu diệt Căn cứ Tân Cảnh.
15 giờ chiều ngày 21 tháng 4 và liên tiếp trong các ngày 22, 23 tháng 4, các cụm pháo chiến dịch của ta tập trung bắn phá Căn cứ Tân Cảnh. Đại đội 29 (B72) đã diệt hầu hết số xe tăng địch tiến ra phản kích, bắn tung cả hai khẩu ĐKZ đặt cao tít trên tháp nước trong căn cứ. Toàn bộ lô cốt, boong ke vòng ngoài trên hướng cửa mở đã bị đạn B72 và đạn ĐKZ của ta phá hủy.
Đêm 23, rạng 24/4/1972 sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh thu hút sức chống đỡ của địch về phía tây và phía Bắc thì Sư đoàn 22 được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng của mặt trận, do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính uỷ Lê Đình Yên chỉ huy, bất ngờ từ phía đông đột phá trận địa phòng ngự của địch.
Cũng trong đêm đó từ ngầm Pô Kô hạ, 9 xe tăng T54 của Đại đội 7 thiết giáp xuất kích. Theo đường công binh mới mở, xe tăng ta lướt qua quận lỵ Đăk Tô rồi lao về căn cứ Tân Cảnh. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66 do Phó tham mưu trưởng Hoàng Anh Tài chỉ huy đã làm thành những lộ tiêu sống hướng dẫn cho xe tăng ta, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương vẫn leo lên thành xe để tiếp tục chỉ đường.
01 giờ sáng ngày 24/4/1972, xe tăng 377 dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ E42 – Tân cảnh mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm. Xe 377 dẫn đầu cùng đội hình cùng xe 357 xốc tới bắn sập đài quan sát trên tháp nước, cùng bộ binh tiêu diệt địch, đánh thẳng vào sở chi huy Trung đoàn 42 bộ binh Ngụy, tiêu diệt Đại tá cố vấn Mỹ, Đại tá Lê Đức Đạt, bắt sống Đại tá Vi Văn Bình.
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe tăng 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô. Ảnh: T.L
Trong lúc địch đang hoang mang vì mất Tân Cảnh, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định điều một trung đội xe tăng và một xe cao xạ 57 ly tự hành hiệp đồng với Trung đoàn Bộ binh 1 đánh thẳng vào Căn cứ Đắk Tô 2.
Chưa kịp nghỉ lấy sức và khôi phục kỹ thuật xe để chuẩn bị cho trận đánh sau, Trung đội xe tăng 3 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển làm Trung đội trưởng nhận lệnh xuất kích tấn công Căn cứ Đắk Tô 2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Băng trong tầm hỏa lực pháp binh và máy bay địch, xe tăng 377 dẫn đầu đội hình tiến công cùng xe 354 và 369 tăng tốc lao về cứ điểm địch. Do đạn pháp, bom từ máy bay địch bắn phá khiến đường cơ động gặp nhiều khó khăn nên xe 354 và 369 tụt lại khá xa. Không thể bỏ lỡ thời cơ, xe tăng 377 một mình xông lên cứ điểm. Phát hiện chỉ có 1 xe tăng của ta, địch tung 10 xe tăng M41, M42 chia làm 2 mũi bao vây. Với tinh thần “1 người, 1 xe cũng tiến công” Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển cùng kíp xe đã kiên quyết chiến đấu.
Cuộc đấu tăng một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh, kiên quyết, linh hoạt và chính xác, Nguyễn Nhân Triển liên tục ra các mệnh lệnh chỉ huy lái xe Cao Trần Vịnh quần thảo tiến lui tránh tầm hỏa lực của địch cho pháo thủ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái ngắm bắn liên tiếp tiêu diệt 7 xe tăng của địch làm cho đội hình của chúng rối loạn. Phía sau, xe tăng 354 và 369 mở hết tốc lực xông lên ứng cứu, vừa đi vừa đánh địch mở đường diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Cùng lúc đó, một xe tăng M41 của địch ở phía nam sân bay Đắk Tô 2 đã bắn trúng xe tăng 377, lửa khói bốc lên trùm kín chiếc chiến xa quả cảm, cả 4 thành viên trong kíp xe tăng 377 đều hy sinh.
Cùng lúc, xe tăng và bộ binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Đắk Tô 2. Cụm căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên đã hoàn toàn bị tiêu diệt.
11 giờ trưa hôm ấy, lá cờ của Tỉnh ủy Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 tung bay trên cứ điểm Đăk Tô-Tân cảnh. Quân địch đóng ở các căn cứ Ngok Bờ lêng, Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận ĐăkTô, rút chạy toán loạn. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến ĐăkTô, về Đăk Mot và hàng chục ngàn đồng bào các dân tộc Kon Tum được giải phóng.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã góp phần đập tan chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ trên chiến trường Đông Dương, làm thay đổi cục diện trên chiến trường có lợi cho ta, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pari và xuống thang chiến tranh, tạo một bước thuận lợi lớn cho ta đập tan hệ thống nguỵ quyền trên chiến trường miền Nam.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc và sự hy sinh anh dũng của kíp xe tăng 377, gồm 4 thành viên: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội Tăng 3, trưởng xe; Hạ sĩ Cao Trần Vịnh, lái xe; Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái, pháo thủ, ngày 09/01/2009, Chủ tịch nước đã truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377.
45 năm đã trôi qua (24/4/1972 – 24/4/2017), cùng bao đồng đội khác, các anh đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc và mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ thân yêu. Xe tăng 377 giờ đây đã trở thành tượng đài đặt giữ trung tâm thị trấn Đăk Tô, mảnh đất mà các anh đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước. Chiến công ấy đã trở thành một biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam./.
TD