Ngoài thông tin về các hoạt động, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, địa phương có tác động, liên quan trực tiếp tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, Báo ảnh Kon Tum đã cung cấp thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiên tiến, gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực, những đổi thay ở vùng sâu, vùng xa, những kinh nghiệm, thành công trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ( DTTS)…, giúp bà con nâng cao tri thức, tác động làm thay đổi nhận thức, quan niệm lạc hậu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, trước thực trạng nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa đang dần bị mai một, Báo ảnh Kon Tum đã tăng cường thông tin, phản ánh về những phong tục, tập quán tốt đẹp; về bản sắc văn hóa trong trang phục, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc; việc truyền dạy cồng chiêng, nghệ thuật trình diễn dân gian, điêu khắc tạc tượng gỗ; việc bảo tồn, phục dựng nhà Rông, khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống…thông qua các chùm ảnh, phóng sự ảnh được đăng tải thường xuyên, liên tục qua các kỳ báo, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, khơi gợi lòng tự hào, ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó khích lệ bà con gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đồng thời giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Người dân thích thú đọc Báo ảnh Kon Tum.
Ông A Jar, người gắn bó với tờ báo ảnh Kon Tum hàng chục năm qua trong vai trò biên dịch, phấn khởi cho biết: Báo ảnh Kon Tum có hình ảnh đẹp, thông tin bổ ích, thiết thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu của bà con, lại được biên dịch ra tiếng Ba Na và Xơ Đăng, giúp bà con dễ học, dễ làm theo. Là người thực hiện công tác biên dịch, ông cảm thấy rất tự hào vì được góp phần trong việc gìn giữ chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Còn ông A Biu, người có uy tín ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum), cũng là người luôn tâm huyết, có nhiều sáng kiến trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Ba Na thông qua việc làm du lịch của gia đình, được giới thiệu trên tờ báo ảnh Kon Tum. Cầm tờ báo do tôi tặng, ông đọc đi đọc lại nhiều lần rồi vui mừng chia sẻ: ông hy vọng, qua tờ báo này, sẽ có nhiều người biết đến việc làm của ông, qua đó việc bảo tồn văn hóa dân tộc sẽ được bà con quan tâm hơn. Ông mong những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cấp bảo ảnh Kon Tum để cùng già làng, thôn trưởng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con học tập, làm theo…
15 năm đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, ngoài thực hiện tốt vai trò làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, giúp đồng bào hiểu thêm về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Báo ảnh Kon Tum đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội.
Bài - ảnh: Thúy Hường