banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Lễ ăn lúa mới của tộc người Ba Na ở Kon Tum
7-2-2017

 

Hằng năm, khi tiết trời đang chuyển dần vào mùa khô, khi lúa trên rẫy đã bắt đầu chín và chim chơ rao liệng bay trên nền trời là lúc báo hiệu cho mọi người chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, tháng chín (khei tơ xin), tháng của những ngày bận rộn thu hoạch lúa rẫy. Trước khi tuốt lúa đại trà trên khắp các rẫy, người Ba Na thường tổ chức một lễ thức quan trọng đó là lễ ăn lúa mới (et xa ba nao), nghi lễ này chỉ nằm trong phạm vi gia đình nhưng lại đánh dấu thời điểm bắt đầu cho vụ thu hoạch trong năm. Từ ngày hôm trước, ông chủ nhà cùng vợ đi lên rẫy, không quên mang theo cuộn dây mây tước sợi, vật quan trọng chỉ đường cho hồn lúa về đến kho thóc của gia đình. Họ bắt đầu căng dây từ rẫy thiêng, nơi ông chủ nhà đã trồng sẵn một cây tre vót tua cao khoảng 1,5 đến 2m được quét máu gà, trên đó giắt vài sợi lông gà, về đến kho lúa của gia đình. Tuỳ khoảng cách từ rẫy về kho lúa xa hay gần mà dây mây được làm dài hay ngắn nhưng thường đường lên rẫy không phải là con đường thẳng tắp nên việc giăng dây đối với hai vợ chồng cũng khá vất vả. Người vợ cầm cuộn dây đi sau còn người chồng tìm những gốc cây lớn để buộc dây cố định sao cho tránh để dây bị đứt, cứ như vậy kéo về đến kho lúa của gia đình. Nếu rẫy có những ngả rẽ, ngã ba đường, người chồng thường hái vài bông lau cắm xuống đấy để làm dấu chỉ đường cho hồn lúa đi không bị lạc. Nếu rẫy phải băng qua suối thì sợi dây mây tượng trưng cho cây cầu để hồn lúa đi qua mà không bị dính nước. Về đến kho lúa, người chủ nhà lại dựng một cầu thang bằng tre để cho hồn lúa lên kho. Như vậy, từ nay trở đi, hồn lúa đã trở về với kho lúa của gia đình, không còn ở tại rẫy thiêng nữa. Phải mất một buổi để cả hai vợ chồng giăng dây từ rẫy về kho. Buổi chiều, ông chủ nhà lại bắt một con gà, cắt tiết đựng vào ống lồ ô, không quên vót thêm một bông xôl. Sau đó, ông khoét một lỗ tròn nhỏ đường kính khoảng 15cm trên vách của cửa chính ra vào, đồng thời cẩn thận quét máu gà xung quanh lỗ tròn đấy. Bà vợ đưa ju jê cùng ống đing klong để ông cột lên bên cạnh cái lỗ tròn, ông cũng không quên quét máu gà lên hai vật đấy với dụng ý từ hôm nay, gia đình mời Yang Sri cùng đến hưởng lễ và chung vui.

Theo quan niệm của đồng bào: Việc  khoét lỗ tròn trên vách cửa chính là lối đi dành riêng cho Yang Sri, thần không bao giờ đi vào đường cửa chính như chúng ta. Sáng sớm hôm sau, bà chủ nhà mặc một bộ áo váy thật mới, bên hông đeo chiếc gùi nhỏ (jar drung) lên rẫy. Chỉ có bà mới được quyền lên rẫy trong ngày hôm nay mà thôi. Đi thẳng lên rẫy thiêng, nơi những bông lúa đã lác đác chín vàng, bà cẩn thận hái từng bông lúa cho vào gùi. Những bông lúa nặng hạt trĩu sát đất, “lúc lỉu như lũ con trai, con gái bụ bẫm”. Ước chừng lúa đã đủ để làm lễ cúng nhỏ trong gia đình, bà quay trở về nhà. Vẫn chỉ có mình bà tuốt lúa, xảy sạch rồi rang chín để những hạt lúa nổ thành bỏng trắng (hơ na bo). Công đoạn cuối cùng là đem giã và sàng xảy cho sạch trấu, sản phẩm thu được người Ba Na gọi là “mok”. Người đàn ông giúp vợ bắt sẵn một con gà đen, cắt tiết đổ đầy vào ống đing klong, gan gà đựng vào ju jê và cột sẵn một ghè rượu cúng vào bàn thờ gâng long xik đặt ở giữa nhà. Ông tỏ ra thành thục trong các thao tác sắp đặt lễ vật cúng và hài lòng vì mình đã không mắc phải bất kỳ sai sót nào, chỉ chờ người vợ tự tay bỏ một ít mok vào ju jê nữa thôi là có thể tiến hành nghi thức cúng được rồi. Với bản tính cẩn thận của phụ nữ, bà chủ nhà kiểm tra lại một lượt những đồ cúng cần thiết, bởi lễ cúng của Yang Sri bao giờ cũng là trách nhiệm của phụ nữ nên việc kiểm tra lại cũng không phải là thừa, thần Lúa luôn hài lòng với những gì là chu đáo, cẩn thận, điều đó thể hiện sự tôn kính của con người đối với thần linh. Đứng trước gâng long xik, bà chủ nhà kính cẩn đọc lời khấn:

Đại ý: Ơ thần Lúa, người tạo ra lúa gạo và các loại cây trồng, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn thần đã ban cho chúng tôi lúa gạo để ăn, chúng tôi mời thần cùng xuống đây ăn gan gà đen, uống rượu cùng những lễ vật chúng tôi dâng cúng thần.

 Người Ba Na tin rằng kể từ lúc đó thần Lúa đã ở trong gia đình cùng hưởng lễ mà gia đình dâng cúng. Số mok còn lại, các thành viên trong gia đình chia nhau mỗi người ăn một ít. Bà chủ nhà sẽ uống kang rượu làm phép rồi đến lượt các thành viên khác cùng truyền tay nhau. Ngày mai, cả gia đình lại bắt tay vào thu hoạch đại trà, những dụng cụ cần thiết để tuốt lúa đã được bà chủ nhà chu đáo chuẩn bị, gùi (xơ kă), gùi nhỏ (jăk). Người Ba Na thường để rẫy thiêng cho ngày thu hoạch cuối cùng. Các thành viên của gia đình tập trung tuốt lúa trên mảnh rẫy lớn mà không dùng bất cứ dụng cụ thu hoạch nào. Người ta đeo gùi nhỏ trước bụng, tuốt lúa và đựng đầy vào đấy. Sau đó mới đổ vào gùi lớn và cất giữ trên kho lúa.

Khi mảnh rẫy chung của gia đình đã được thu hoạch xong, khi các gùi lúa đã cất đầy trong lâm, người phụ nữ của gia đình mới bắt đầu thu hoạch trên rẫy thiêng; họ cẩn thận chọn những bông lúa chắc mẩy hạt để làm giống cho mùa sau và cất nó cẩn thận vào rơ ngao. Phần còn lại được tuốt và làm sạch, nó được dùng vào lễ mừng năm mới (et pơlêh). Thông thường, rẫy thiêng ngoài việc gieo trồng những loại lúa giống để dành cho mùa sau, tuốt lúa về cúng lúa mới, nó còn có ý nghĩa quan trọng lễ mừng năm mới. Nếu năm nào được mùa, người ta sẽ dùng lúa thu hoạch được từ rẫy thiêng đem đổi lấy lợn, gà để làm vật hiến sinh dâng cúng yang Sri. Nếu năm nào mất mùa, người ta để lại một ít lúa giống cho vụ sau thì lễ vật tạ ơn thần đơn giản chỉ là con gà con hay thậm chí chỉ là một quả trứng. Trong thời gian thu hoạch lúa, người Ba Na kiêng không ăn thịt trong rẫy để không làm phiền lòng đến yang Sri khiến thần giận dỗi, gây mất mùa.

Khi lúa đã đưa về đầy kho, khi đã kết thúc thời gian thu hoạch rẫy, từng gia đình lại tổ chức một nghi lễ riêng để cảm tạ thần Lúa mà người Ba Na thường gọi là lễ đóng cửa kho lúa (et tec măng sum). Có thể coi nghi lễ này là sự mở đầu cho những ngày tết kéo dài trong hai tháng khei ning nơng của người Ba Na. Lễ vật hiến sinh bao giờ cũng là rượu và gà, thậm chí những năm được mùa lớn, nhiều gia đình giàu có còn hiến sinh cả lợn và trâu mời cả làng đến dự để tạ ơn thần Lúa và mong năm sau tiếp tục được mùa.

Buộc ghè rượu chính giữa nhà và đặt miếng gan gà lên trên miệng ghè, người phụ nữ đứng ra khấn lễ:

Đại ý: Cảm tạ thần Lúa đã ban cho chúng tôi mùa màng bội thu, cảm ơn thần đã giúp cho các loại lúa và cây trồng chúng tôi đã trỉa trước đây bây giờ đã được thu hoạch và đưa hết vào kho. Vì vậy hôm nay, chúng tôi kính mời thần đến uống rượu, ăn gan gà, những thứ chúng tôi dâng cúng, chúng tôi xin cảm tạ thần.

Dứt lời khấn, bà ta uống kang rượu phép đầu tiên rồi đưa cho các thành viên khác trong gia đình. Như vậy, một năm lao động vất vả đã kết thúc, chỉ còn đón chờ năm mới và những tháng nghỉ ngơi. Lễ hội ăn lúa mới của tộc người BaNa là một lễ hội truyền thống hàng năm, thu hút tất cả các thành viên trong cộng đồng, là nét văn hoá tín ngưỡng riêng của đồng bào. Đến với Tây nguyên, đến với KonTum, các bạn hãy sắp xếp để một lần được dự lễ hội ăn lúa mới của người BaNa, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

                                                                                                  Pa Hùng

Số lượt xem:2305
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Với Đảng mùa Xuân (6-2-2017)
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 384 Số người online:
TNC Phát triển: