banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Đêm giới thiệu sách viết về Kon Tum nhân Ngày Sách Việt Nam
23-4-2015

 Tối 21/4/2015, tại Trung tâm văn hóa tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình giới thiệu các đầu sách viết về Kon Tum. Về dự có đồng chí A Đôi, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kon Tum và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, lực lượng học sinh, sinh viên, vũ trang, thanh niên trên địa bàn thành phố Kon Tum đã về dự, theo dõi chương trình.

Chương trình Văn nghệ chào mừng

Sau chương trình văn nghệ chào mừng, bà Hoàng Thị Chúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu sách “100 năm Kon Tum - Lịch sử và phát triển ” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản, 2013; Nhà thơ Lại Hữu Kim, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh giới thiệu Tuyển tập các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật của văn nghệ sỹ Kon Tum đạt giải, giai đoạn 1995 - 2012, xuất bản năm 2013; Thạc sỹ Vũ Thị Mai, Ủy viên BCH Hội VH-NT, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh giới thiệu tập sách Truyện cổ các dân tộc Kon Tum; Thạc sỹ Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu các tập sách Hồi ký “Sống giữa lòng dân” do Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch biên soạn, xuất bản qua các năm. 

Bà Hoàng Thị Chúc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum giới thiệu sách “100 năm Kon Tum - Lịch sử và phát triển”

Nhà thơ Lại Hữu Kim, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh giới thiệu Tuyển tập các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật của Kon Tum đạt giải

Thạc sỹ Vũ Thị Mai, PGĐ Bảo tàng tỉnh giới thiệu tập sách Truyện cổ các dân tộc Kon Tum

Trang thông tin điện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trích nội dung giới thiệu tập hồi ký: “SỐNG GIỮA LÒNG DÂN” viết về ký ức một thời của những cán bộ cách mạng đã từng sống, cùng nhau chiến đấu, lao động và học tập trên mảnh đất Kon Tum thân thương, huyền thoại:

Thạc sỹ Phan Văn Hoàng, PGĐ Sở VH,TT&DL giới thiệu các tập sách Hồi ký “Sống giữa lòng dân”

Nhằm phát huy hơn nữa truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời tri ân với những lớp người đi trước đã không tiếc tuổi xuân và xương máu, chiến đấu, hy sinh quên mình cho mảnh đất quê hương Kon Tum thân yêu.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành tập sách “Sống giữa lòng dân”. Tập sách gồm 5 tập, trong đó có 3 tập được xác minh, hiệu đính, bổ sung tài liệu để biên tập, tái bản lại từ những tập sách Hồi ký cách mạng “Sống giữa lòng dân” và tập 3 lấy tên là “những ngày sôi động” phát hành vào các năm 1995, 1996, 1997, 2003 với tên gọi Hồi ký cách mạng “Sống giữa lòng dân” tập 1, tập 2, tập 3 phát hành năm 2011. Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản tập 4,5 cuốn sách “Sống giữa lòng dân” như một lời tri ân, lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới những người đã làm nên chiến thắng của dân tộc – những người anh hùng của lòng dân trong quá khứ và của hiện tại, những người đã đổ mồ hôi, xương máu và trí tuệ để xây dựng mảnh đất Kon Tum từ trong lửa đạn của chiến tranh đến ngày hòa bình độc lập. Cuốn sách là tư liệu lịch sử quý giá giúp bạn đọc cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử có thêm nguồn sử liệu phong phú bổ sung kiến thức lịch sử địa phương.

“Sống giữa lòng dân” là tập sách ghi lại một cách sinh động và chân thật qua lời kể của những nhân vật lịch sử, những người đã từng dấn thân vào hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ hào hùng trên mảnh đất Kon Tum. Qua từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử, có những lúc tưởng chừng như không trụ nổi trước bom đạn, trước đòn roi tra tấn của kẻ thù, trước những cơn khát, cơn đói triền miên ở rừng rú hay trong cảnh ngục tù; nhưng họ vẫn đứng vững, vẫn hiên ngang sừng sững như những dãy núi hùng vĩ của Tây nguyên đại ngàn. Tập sách “Sống giữa lòng dân” gồm những bài hồi ký, những câu chuyện kể về các cán bộ cách mạng được phân công ở lại chiến trường Kon Tum trước và sau năm 1954. Qua những lời kể của những người lính – cựu quân nhân, của những người đồng đội, của những người dân từng cưu mang chiến sỹ, các câu chuyện, bài hồi ký như làm sống lại những năm tháng rực lửa nhưng nhiều sôi động, gian khổ nhưng nhiều anh hùng của một thời đại anh hùng. Trước khi trở thành những người chiến sỹ cách mạng chân chính, sống và chiến đấu cả cuộc đời với mảnh đất Kon Tum gian khó lúc bấy giờ; họ đều là những con người đến từ những vùng miền khác nhau của đất nước như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định,….hay những thanh niên trai tráng dân tộc thiểu số của núi rừng Kon Tum. Họ đều là những người đang trải qua thời tuổi trẻ nhiều hoài bão và nhiều trăn trở trước thời cuộc đổi thay của đất nước, trải qua nhiều khó khăn gian khổ của cuộc sống, cuối cùng bằng những việc làm, hình thức khác nhau họ cũng tìm cho mình được con đường để đến được với cách mạng. Có những người thông qua đội du kích của làng, của thôn; có những người được giác ngộ thông qua những chiến sỹ cách mạng đi trước. Họ đều được đào tạo, được trưởng thành qua những cuộc chiến sinh tử với kẻ thù để bảo vệ làng quê của mình. Có ai biết được đồng chí Trần Đức Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con ở vùng Mộ Đức Quảng Ngãi, đồng chí Lữ Đình Nây lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở Phù Cát, Bình Định và nhiều đồng chí khác đã từng có một tuổi thơ gian khó, từng phải đi ở đợ cho lý trưởng, phú hộ để kiếm từng miếng cơm manh áo cho gia đình; hay đồng chí Y Par (Một), đồng chí Sô Lây Tăng từ một người không biết đến cái chữ, không biết đến văn minh trở thành một người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên kể từ khi tham gia cách mạng.

Ngày cách mạng đến từng cái buôn, cái bản ở Kon Tum, mang theo những hy vọng tươi sáng hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Từng người, từng làng, từng bản vui mừng đi theo cách mạng, trung thành với cách mạng, nuôi dấu cán bộ cách mạng bất chấp những phong tục, những kiêng kỵ của dân tộc mình. Đồng chí Sô Lây Tăng một người con của núi rừng Tây Nguyên từng vui mừng nói “Ngày Việt Minh đến làng Nú Vai mang theo những vui mừng cho người dân nơi đây, mang tới một thứ ánh sáng soi rọi vào đầu óc họ, ai cũng vui mừng, hăm hở tham gia giúp sức cho cách mạng”. Ông Trần Thanh Dân (Trần Hóa) kể, ông đã cùng đồng đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm nương với người đồng bào H’re, người Sê Đăng, Giẻ Triêng để tuyên truyền, giác ngộ họ đi theo Đảng, theo Bok Hồ. Rồi đến làng Xốp của cụ A Mét cùng bộ đội chiến đấu trong sự che chở của những cánh rừng Xà Nu đã đi vào văn học của nhà văn Nguyên Ngọc như một bản anh hùng ca về lòng quả cảm của con người. Đồng chí Trần Liêu (Peo) một người đã sống với bà con vùng Măng Bút kể lại “Đồng bào từ người già đến con nít vẫn ăn hạt cào cào nhưng gạo ít để dành cho cán bộ”; Đồng chí Phú – chỉ huy trưởng mặt trận Kon Tum năm 1968 tâm sự “họ chịu đói cơm lạt muối vì cách mạng, hết muối họ đốt cỏ tranh ăn thay muối, khố rách, họ đập vỏ cây gió làm khố làm chăn, hết gạo hết mì, họ ăn măng, ăn củ, căn rau. Một lòng một dạ vì cách mạng, chung thủy sắt son vào Đảng vào cách mạng, bộ đội vào một ngày mai tươi sáng;  những chiến thắng lớn trên chiến trường cũng có sự góp sức hết sức to lớn của đồng bào các dân tộc, bởi họ là những người gùi gạo, vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ trận đánh. Đảm bảo bí mật an toàn cho số hàng hóa đó không bị mất mát, bị lộ bí mật, nhờ vậy mà ta đã giành thắng lợi giòn giã trên nhiều chiến trường.

Để làm tốt nhiệm vụ của mình trong vùng đồng bào, những người cán bộ cách mạng người kinh bên cạnh phải học tiếng nói của cư dân bản địa, họ còn phải hiểu biết về những luật tục, cách sinh hoạt của đồng bào nơi đó, họ đều được dân làng đặt tên, làm lễ cà răng, xỏ lỗ tai, để tóc dài, đóng khố, có người còn bôi bồ hóng trên người để cho da đen đi. Và rồi, họ còn sống trong cảnh “bên cạnh sự đói cơm, lạt muối, sống lặn lội xông pha trong vùng địch tàn bạo, cái chết khi nào cũng rình rập, kề cận trong gang tấc”. Có ai từng sống trong hoàn cảnh “ăn cơm lõi, cá mục, nước một lon sữa bò một người, hàng ngày đi đổ thùng vệ sinh có hai thằng lính đi theo dõi”, bị đánh đập cũng giống như chuyện thường ngày, thế nhưng có ai từng kêu ca khổ cực, có ai chịu đầu hàng trước cám dỗ của kẻ thù? Như ông Đào Duy Tồn, Hồ Phi Long và nhiều chiến sỹ cách mạng khác sống trong cảnh tù đày, chưa từng khuất phục trước nhà tù Côn Đảo ghê rợn và hãi hùng, nơi không dành cho một con người sống, thế nhưng ông cùng đồng đội vẫn dùng ánh mắt căm thù, không sợ địch để nhìn thẳng vào chúng. Sự kiên trung của các ông đã khiến cho người cai ngục phải thốt lên rằng “ Tôi không thể nào hiểu tinh thần cách mạng trong các ông là cái gì mà ghê gớm thế”. Họ làm sao mà hiểu được khi mà cùng là những người lính chiến đấu trên chiến trường, nhưng giữa hai chiến tuyến là những hoàn cảnh sống khác nhau. Một bên là những người lính được trang bị đầy đủ súng ống và điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đầy đủ; còn một bên là những người lính sống thiếu thốn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, vũ khí, đạn dược để chiến đấu thì thô sơ, lạc hậu, thiếu thốn. Giữa một cuộc chiến không cân sức, tương quan lực lượng lớn như vậy, nhưng chiến thắng vẫn thuộc về phe chính nghĩa. Đó là chiến thắng của lòng quả cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, của việc bỏ qua hết những cái tôi cá nhân để sống với lý tưởng chung của dân tộc.

Trong những ngày hòa bình lập lại, cả nước cùng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập, những người con của núi từng Tây Nguyên vẫn tiếp bước truyền thống anh hùng của cha anh đi trước, viết tiếp bài ca xây dựng cuộc đời mới, xây dựng nông thôn mới, kinh tế mới, mang lại nhiều khởi sắc trên quê hương Kon Tum. Đó là bà Vũ Thị Minh Huệ mới một đời hướng niềm tin theo Đảng, với bà Y Xuôi mãi mãi không quên lần đầu tiên được gặp bác Hồ,…

Bộ sách là những câu chuyện của những nhân vật lịch sử từng tham gia trực tiếp trên các chiến trường, mang lại cho người đọc một cách nhìn khách quan nhất về cuộc chiến đấu đã qua. Bộ sách như một nguồn sử liệu quý giá còn lưu giữ lại những ký ức hào hùng của bao thế hệ từ năm 1954 đến nay, qua đó giúp thế hệ trẻ ngày này hiểu và trân trọng những điều tốt đẹp mà cha anh đã đổ cả máu xương và tuổi thanh xuân của mình làm nên một Kon Tum ngày càng giàu mạnh và phát triển như ngày hôm nay. Bạn đọc có thể tìm đọc tập sách tại Thư viện tỉnh Kon Tum, bảo tàng Tỉnh cũng như tại thư viện tại các Huyện, Thành phố trên toàn tỉnh.

(Trích nội dung giới thiệu tác phẩm: Hồi ký sống giữa lòng do Thạc sỹ Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum giới thiệu)

Ảnh: Trần Lâm

Số lượt xem:1936
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 842 Số người online:
TNC Phát triển: