Tối 3/4, tại nhà Rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2015 khu vực Tây Nguyên diễn ra có 5 đoàn đến từ các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Sau một đêm thi tài với những tiết mục mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, tối ngày 04/4, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức đêm công diễn và bế mạc Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2015 - Khu vực Tây Nguyên được truyền hình trực tiếp trên VTV2 lúc 20 giờ.
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tại đêm công diễn
Tới dự bế mạc Liên hoan có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng; lãnh đạo các sở, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Nhà báo Đặng Xuân Thu tặng tranh
Phát biểu chào mừng tại đêm công diễn, ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum bày tỏ niềm vinh dự là địa phương đăng cai Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2015 - Khu vực Tây Nguyên lần thứ VI. Và nhấn mạnh cùng với việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được các tỉnh trong khu vực chú trọng, quan tâm. Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó có 05 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 01 di tích đặc biệt và 202 di tích đang hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp thẩm định đang đề nghị xếp hạng. Bảo quản hơn 1.800 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo tồn và phục dựng được 21 lễ hội truyền thống, khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, trình diễn các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Hát K’đò của dân tộc Giẻ - Triêng; hát R’Nghê của dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, nhất là các bài chiêng cổ, chiêng, lễ, chiêng hội của từng dân tộc, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng, bản sắc văn hóa các dân tộc được phát huy và làm phong phú hơn nền văn hóa đa dân tộc góp phần đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, B’râu, Rơ Măm, M’nông, K’ho, Chu Ru, H’Rê, Mạ, Rag Lai… là vùng đất có bản sắc văn hóa hết sức phong phú và đa dạng, độc đáo, giàu truyền thống cách mạng. Hệ thống di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể, mang bản sắc đặc thù rất riêng có của Tây Nguyên, thể hiện qua dân ca, dân vũ, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, xoang, hát kể sử thi với các nhạc cụ độc đáo như đinh tút, ting ning, tơ rưng, K’lông Pút…
Tỉnh Kon Tum được chọn làm nơi tổ chức Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2015 khu vực Tây Nguyên là dịp để chúng ta giới thiệu, quảng bá những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống tiêu biểu, độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, đây cũng là cơ hội để bà con trong tỉnh được hòa mình trong dòng suối dân ca mát lành của dân tộc là dịp để nghệ nhân, khán giả, giao lưu, học hỏi, tăng cường tình cảm, gắn kết văn hóa giữa các địa phương, đồng thời góp phần khơi dậy những giá trị kho tàng nghệ thuật dân gian mà ông cha ta đã gìn giữ, để lại.
Tiết mục Nhớ chuyện ngày xưa, dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum
Đấu chiêng, dân tộc K'Ho, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng
Qua đó, có tác dụng bảo tồn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Đây là cơ hội để các nghệ nhân, khán giả giao lưu học hỏi, tăng cường tình cảm, gắn kết văn hóa giữa các địa phương; đồng thời khơi dậy những giá trị của kho tàng nghệ thuật dân gian mà ông, cha ta đã giữ gìn, để lại; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Trong đêm bế mạc, trên 60 nghệ nhân với 10 tiết mục được lựa chọn từ 5 đơn vị tham gia, gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đêm công diễn Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2015 - Khu vực Tây Nguyên đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả Kon Tum nói riêng và người xem truyền hình cả nước nói chung. Sau khi kết thúc chương trình ban lãnh đạo sẽ chọn ra những tiết mục đặc sắc để tham gia Chung kết toàn quốc Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2015 được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại tỉnh Nghệ An.
Bài, ảnh: Trần Lâm