banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Báo cáo khoa học về di tích lịch sử Chiến Thắng Kleng và di tích lịch sử Làng Kháng Chiến Xốp Dùi
14-10-2014
 Sáng ngày 26 tháng 9 năm 2014, tại Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi Báo cáo Hồ sơ khoa học về 2 di tích lịch sử Chiến Thắng Kleng và Làng Kháng Chiến Xốp Dùi.

Tham dự, chủ trì buổi họp có bà Bùi Thị Thanh Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei, Sa Thầy và đại diện các ban ngành của tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở VH,TT&DL.

Căn cứ Lệ Khanh (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Kleng là trận đánh tiêu diệt tiền đồn cuối cùng của địch trong chiến dịch Mùa Hè năm 1972, sau chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, Đăk Pét, ghi dấu những chiến công oanh liệt của bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng. Đây là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ thành lập từ năm 1966. Sau năm 1970 bàn giao cho Tiểu đoàn 62 Biệt động quân Biên phòng trấn giữ để bảo vệ thị xã Kon Tum. Khu Di tích nằm trên ngọn đồi Pơlei Kleng, cách trung tâm huyện Sa Thầy 2km về phía Đông.

Khu Di tích lịch sử Làng kháng chiến Xốp Dùi ở phía Đông Nam của huyện Đăk Glei, nằm trên lưng chừng núi Kông Lố, có độ cao 1.100m tại xã Xốp. Đây là Làng kháng chiến hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên. Tháng 4/1949, nghe tin xã Soáp, xã Đoàn rào làng kháng chiến, thực dân Pháp đưa một toán lính đến càn quét. Vừa đến đầu làng Soáp Dùi, địch đã vấp lựu đạn, mang cung, sập hầm chông; 10 tên chết, 4 tên bị thương nên buộc phải rút chạy. Tháng 10/1949, quân Pháp theo đường núi phía sau làng bất ngờ tấn công vào làng Soáp Dùi, chúng đốt phá, bắt bớ, tàn sát dân làng. Được tin quân Pháp vào làng Soáp Dùi, huyện Đăk Glei cử cán bộ đến giúp dân làng tổ chức lại làng kháng chiến. Căm thù sục sôi, người dân xã Soáp, xã Đoàn càng thêm quyết tâm chống Pháp, thà chết không đầu hàng. Vừa gấp rút tổ chức ổn định cuộc sống, dân làng vừa sửa chữa lại làng kháng chiến, xin thêm lựu đạn, mìn; cải tiến các loại chông, làm thêm bẫy đá, mang cung; thay đổi cách bố phòng để khi bị tập kết bất ngờ có thể nhanh chóng rút vào rừng. Nhà của dân làng cũng được dựng theo từng nhóm để chống cháy lan.

Tháng 1/1950, địch đưa 2 trung đội tiến đánh làng Soáp Dùi lần thứ 3 nhưng thất bại, không vào được làng; 2 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, một số tên bị thương do vấp chông, mang cung. Từ năm 1953 đến tháng 2/1954, địch đã 20 lần tiến đánh xã Soáp, xã Đoàn; cũng là 20 lần làng Soáp Dùi đi đầu trong bố phòng chống địch dưới sự lãnh đạo của lớp đảng viên trung kiên thời ấy, như: A Mét, A Len, A Bưng, A Cốt, A Ki, A Tương, Đinh NHé… Cùng với tiến đánh bằng quân sự, thực dân Pháp còn dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ dân làng nhưng làng kháng chiến Soáp Dùi vẫn vững vàng ở vị trí lá cờ đầu đánh Pháp và thắng Pháp.

Trong dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức báo cáo và lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh xem xét công nhận, xếp hạng di tích, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha ông đi trước cho các thế hệ mai sau. Các đại biểu đã cơ bản thống nhất với những giá trị lịch sử của hai di tích này và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến tục hoàn thiện trình các cấp xem xét và công nhận là di tích cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Bình Vương

Số lượt xem:1924
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 2809 Số người online:
TNC Phát triển: