banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
“PHÁT TRIỂN DU LỊCH DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG GẮN VỚI ĐẠI NGÀN TÂY NGUYÊN”
25-7-2014

 Ngày 18/7/2014, tại Ninh Thuận, Tổng cục Du lịch và Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên”, bà Bùi Thị Thanh Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã có bài phát biểu “Phát triển du lịch duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên”, Ban biên tập Website giới thiệu bài tham luận đến với bạn đọc.

Trước hết, thay mặt lãnh đạo ngành VH-TT&DL tỉnh Kon Tum, tôi xin trân trọng gửi tới các quý vị lời cảm ơn chân thành về tình cảm mà quý vị đã dành cho Kon Tum, được mời tham dự Hội Thảo khoa học “Phát triển du lịch duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên”.  Tại Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, có thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và 6 huyện, dân số gần 600.000 người với 34 dân tộc đang sinh sống. Với bờ biển dài  trên 100 km, những dãy núi cao đâm lan ra tận biển tạo nên những vũng, vịnh với cát trắng, nắng vàng, biển xanh đẹp nổi tiếng như Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương, Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới; là miền đất phong phú về lịch sử văn hoá, là điểm hội tụ của văn hóa tộc người Chăm và Raglai, quần thể tháp Chàm cổ kính, làng nghề gốm Chăm cổ nhất thế giới Đây là vùng trồng được nho và nuôi được cừu duy nhất ở Việt Nam. Nho, táo, hành, tỏi, thịt cừu, thịt dê và các món hải sản Ninh Thuận là những món ăn đặc sản  nho ăn trái, nho rượu. Đây là nguyên liệu để sản xuất ra các loại rượu vang, mật nho tuyệt hảo, nho khô luôn luôn khát trên thị trường.

   Kính thưa quý vị!

   Kon Tum là một tỉnh biên giới nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, cùng với Đăk Lăk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng đã làm nên Trái tim Tây Nguyên hùng vĩ. Kon Tum là biểu tượng của sự vững chãi, của khí phách kiên cường và niềm tự hào dân tộc. Là một trong những cái nôi của văn hóa Tây Nguyên, Kon Tum hội tụ những bản sắc văn hóa riêng biệt của hơn 32 dân tộc anh em cùng cộng cưm sinh sống, trong đó có 06 dân tộc bản địa như: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, B’râu, Rơ Măm...với những phong tục tập quán đặc thù và những bản trường ca hùng tráng.

   Với diện tích 9.690,46 km2 là một trong 5 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với độ che phủ rừng cao nhất (>65%), Kon Tum khoác lên mình chiếc áo màu xanh của đại ngàn, điểm thêm vẻ hùng vĩ của non cao, thác lớn; thiên nhiên ưu đãi cho Kon Tum nhiều thắng cảnh đẹp - Măng Đen huyền thoại đã được Chính phủ Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam; vườn Quốc gia Chư Mom Ray mang tầm vóc Đông Nam Á, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ. Kon Tum có tiềm năng lớn về đất nông nghiệp, trên 13.419 ha diện tích mặt hồ thủy điện; có khoảng 31 mỏ và 49 điểm quặng với các khoáng sản Wonfram, vàng, sắt, than bùn, đá xây dựng, điatomit, đolomit…; nguồn thủy năng phong phú với 82 vị trí có thể xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ có quy mô công suất từ 01MW đến 70MW với tổng công suất gần 600 MW; địa hình đồi núi rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển rau hoa xứ lạnh, sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng sâm…

Kon Tum là một tỉnh nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và của miền Trung- Tây nguyên nói riêng. Trong đó, hệ thống đường bộ đi qua tỉnh Kon Tum giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch đường bộ của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Tây giáp với hai nước Lào (142,4km) và Campuchia (138,3km). Khu vực miền Trung Tây Nguyên có gần 1.000 km đường biên giới với Lào và Campuchia ở phía Tây. Trong đó, Kon Tum có 1/3 đường biên giới với gần 300 km.  Như vậy, trên tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây từ Thái Lan đến Việt Nam chỉ đi một ngày đường bộ “một ngày ăn cơm ba nước” ăn sáng tại  tỉnh Kon Tum (Việt Nam), ăn trưa tại Atapư hoặc Sê Kông, tối nghỉ tại Chăm pa Sắc (Lào) và cũng có thể ăn tối tại tỉnh U Bon (Thái Lan). Đây là tuyến du lịch hành trình hợp lý, không tốn thời gian chi phí thấp hơn đường hàng không. Các cửa khẩu Quốc tế chính: Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng trị), Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai). Đây là điều kiện tiền đề quan trọng để du lịch đường bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, Quốc lộ 14 là xương sống chạy dọc suốt địa phận của tỉnh theo hướng Bắc - Nam hiện đã được nâng cấp thành đường Hồ Chí Minh. Quốc lộ 40B từ thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) nối với cửa khẩu Quốc tế Bờ Y thông với Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Quốc lộ 24 nối liền với Quốc lộ 14 (đường HCM) ở thành phố Kon Tum theo hướng Đông đi Dung Quất (Quảng Ngãi). Việc thông thương giữa hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh Duyên hải miền Trung của Việt Nam sẽ rất thuận lợi qua Kon Tum.

 Mặt khác nằm vào đoạn gần cuối dãy Trường Sơn, núi non hiểm trở bao quanh, vì vậy Kon Tum có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng đối với vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và cả nước. Điều này có thể thấy: Kon Tum - vị trí quan trọng của tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia, có khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các quốc lộ 40, 24, 14 qua tỉnh nối khu kinh tế cửa khẩu này với đô thị tỉnh lỵ và khu kinh tế Dung Quất cùng các cảng ở miền Trung với các tỉnh lỵ khác. Vị trí này tạo điều kiện để tỉnh Kon Tum trở thành khu vực khởi đầu hội nhập, một địa điểm giao thông trung chuyển đường bộ quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và thương mại quốc tế nối từ Mianma - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Đây là một trong các tuyến hành lang kinh tế và thương mại Đông - Tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi.

Trong phạm vi trên, với cách nhìn “động” thì Kon Tum có vị trí quan trọng về đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế, văn hóa và du lịch trong nước và quốc tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kon Tum là nơi đầu nguồn sinh thủy của các hệ thống sông lớn chảy xuống vùng duyên hải miền Trung, nơi có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng nhất của thủy điện Ya ly - thuộc lưu vực sông Mê Kông. Vì vậy, Kon Tum còn có vị trí rất quan trọng về bảo vệ môi trường sinh thái không những của Kon Tum mà cả vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Hạ Lào, Campuchia.

Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn địa hình có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Phía Bắc có đỉnh Ngọc Linh cao nhất khu vực, phía Nam với độ cao 2.596m. Ngọc Linh là khối núi cao nhất và đồ sộ nhất Tây Nguyên, đó là nơi bắt nguồn của các sông Tranh, sông Cái chảy về Quảng Nam; sông Sê Sar chảy về sông Mê Kông, sông Ba chảy về Gia Lai, Tuy Hòa. Các ngọn núi: Ngọc Bôn Sơn (1.939m). Ngọc Krinh (2.066m), Kon Boria (1.500m), Kon Krông (1.330m) của khối Ngọc Linh được cấu tạo bởi các đá gơnai, grarit, đá phiên mica. Trên dạng địa hình này chủ yếu thảm thực vật rừng và có nhiều loại dược liệu quý, hiếm.

Phía Đông dãy núi Ngọc Linh là cao nguyên Kon Plông, tạo nên bởi một lớp phủ bazan độ cao từ 1.100 - 1.300m. Vùng này thích hợp với du lịch mạo hiểm - leo núi. Phía Tây Ngọc Linh, có sông Pô Kô chảy dọc theo hướng Bắc - Nam trong một thung lũng hẹp phân cách Ngọc Bin San với Ngọc Linh, tới Đăk Tô thung lũng được mở ra tạo nên một cánh đồng bằng phẳng chạy dài 50km từ Đăk Tô đến tận Kon Tum. Đây là vùng trũng giữa núi, được bồi đắp bởi phù sa sông Pô Kô và sông Đăk Bla. Vùng này đang trồng lúa và các cây công nghiệp.

* Tiềm năng đường bộ tỉnh Kon Tum với phát triển du lịch đường bộ trong nước:

- Đường Hồ Chí Minh (Cơ bản nằm trên Quốc lộ 14 cũ) nối Kon Tum với hai miền Nam - Bắc của đất nước. Trước mắt, có thể khai thác tuyến du lịch Kon Tum với các điểm đến du lịch ở Duyên hải miền Trung như: Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị (phía Bắc) và TP.Hồ Chí Minh (phía Nam). Quốc lộ 24, nối Kon Tum với Quảng Ngãi (Đã được Thủ tướng Chính phủ đầu tư nâng cấp mở rộng để phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Plông) nối với Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngoài ra, Kon Tum có thể phát triển tuyến du lịch đường bộ Quốc lộ 14 nối Quốc lộ 19 tới Quy Nhơn - Bình Định - Phú Yên - Ninh Thuận- Nha Trang....

 Hệ thống đường bộ nối từ Quảng Nam tới huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tới Măng Đen (Kon Tum) nằm trong quy hoạch đường bộ Đông Trường Sơn cũng hứa hẹn một triển vọng cho phát triển du lịch đường bộ ở Kon Tum.

* Đường bộ Kon Tum với liên kết phát triển du lịch đường bộ quốc tế:

Nằm ở ngã ba Đông Dương huyền thoại, tỉnh Kon Tum có hệ thống đường bộ liên kết phát triển du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Quốc lộ 40 nối Kon Tum với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Hiện nay, đã khai thác tour du lịch Caravan từ Thái Lan - Lào - nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Kon Tum - Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - xuất cảnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và ngược lại.

* Sản phẩm du lịch đường bộ tỉnh KonTum:

Sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa (xây dựng từ truyền thống của các dân tộc bản địa) và du lịch sinh thái (xây dựng từ các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng nguyên sinh, rừng Quốc gia, hệ thống hồ, sông, suối, thác...) du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội - một loại hình du lịch mới về ý nghĩa khơi dậy tiềm năng du lịch độc đáo hoàn toàn bằng đường bộ. Tham gia sinh hoạt không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại; với hàng trăm lễ hội dân gian, có nhiều loại hình nghệ thuật, kiến trúc dân gian có một không hai trên đất nước như: Nhà Rông, tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ mừng được mùa, các làn điệu dân ca, các điệu múa, các nghệ nhân hát kể sử thi trong hầu hết các dân tộc bản địa. Có thể khẳng định cả du lịch sinh thái và du lịch văn hóa ở Tây Nguyên - Kon Tum đều gắn bó với rừng. Rừng và con người bản địa Tây Nguyên có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Rừng không chỉ là điều kiện sinh tồn mà còn là cõi linh thiêng là không gian văn hóa để từ đó sinh ra thần rừng, thần cây, sinh ra thần núi, thần sông, sinh ra tượng nhà mồ, nhà Rông, nhà dài, sinh ra những truyền thuyết, sử thi, trường ca và biết bao lễ cúng, nhen nhóm giữa lòng người dân Tây Nguyên.

   Kính thưa quý vị!

Giữa đại ngàn Bắc Tây Nguyên, khu du lịch Măng Đen (thị trấn Măng đen, huyện Kon Plông), ở độ cao 1.200 mét so với mức nước biển với diện tích hơn 9.000 ha đất bằng phẳng trên 97.000 ha.

Măng Đen được ví như một Đà Lạt, SaPa thứ hai, hơn hẳn Bạch Mã, Bà Nà bởi hai đỉnh này nhỏ bé người lên thăm rồi về vì không có dân cư, không có các sản phẩm đặc trưng. Nó cũng khác luôn Đà Lạt, SaPa vì nó hoàn toàn nguyên sơ, người ta có thể quy hoạch để Măng Đen trở thành một nơi nghỉ mát tuyệt vời, một danh thắng không nơi nào có.

Và trong thực tế thì các nhà lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã và đang  biến nơi đây thành một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng. Trước mắt nó sẽ phục vụ cho cư dân các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên Ninh Thuận, Nha Trang và sau đấy là các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển lớn như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong…

Để tận dụng hết tiềm năng Măng Đen, huyện và tỉnh đã có những chủ trương rất thoáng để kêu gọi đầu tư. Nhà nước quy hoạch làm đường, sau đó cho thuê đất thời hạn 50 năm với giá ưu đãi. Năm 2006 khi những lô đất đầu tiên được cắm cho thuê với giá 20-25 triệu đồng một lô 600- 1.000m2, còn bây giờ đã là gần hai - ba  trăm triệu đồng nhưng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến mua đất xây biệt thự, quy hoạch khu sinh thái, khu nghĩ dưỡng, vui chơi, giải trí…

   Hiện nay, trên một trăm ngôi biệt thự cao cấp đã và đang xây xong đưa vào sử dụng. Bây giờ Măng Đen đã có dáng dấp một thành phố, phát triển rất mạnh nhưng lường trước những hệ luỵ của việc mở mang phát triển, huyện đã có những quy định rất cụ thể: Thuê đất trong vòng sáu tháng phải xây dựng, nếu quá sẽ bị thu vì đề phòng đầu cơ đất. Chặt một cái cây phạt như thế nào, lấn một mét đất quy hoạch xử ra làm sao…, nhờ thế phố xá cứ mở mà rừng vẫn còn, rừng song hành với phố thành một kiểu kiến trúc rừng trong phố và phố trong rừng rất đặc trưng. May mắn thay, Măng Đen đã gặp những nhà lãnh đạo rất tâm huyết, những người quy hoạch thừa hưởng kinh nghiệm của Sa Pa, Đà Lạt để hôm nay Măng Đen vẫn là rừng nguyên sinh với những ngôi biệt thự ẩn vào đấy, con người lẫn vào với thiên nhiên, thiên nhiên che chở cho con người trong môi trường sinh thái tuyệt vời - biến Măng Đen thành một thành phố du lịch. Nơi đây nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây và là phần không thể thiếu của con đường xanh Tây Nguyên. Nó sẽ nhanh chóng hiện diện trên bản đồ du lịch Việt Nam. Và bây giờ, vùng đất này đã được xác định là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và được Tổng cục Du lịch bổ sung vào chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2010 - 2020.

Theo thống kê hiện nay đã có gần năm chục dự án với số vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng đang đổ vào măng Đen, trong đó có các dự án lớn như: 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư du lịch sinh thái Măng Đen thực hiện dự án du lịch Măng Đen Sapari với du lịch hồ, thác và nuôi thú săn bắn. Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen đầu tư trên 1.500 tỷ đồng thực hiện các dự án du lịch sinh thái và trồng cây gió bầu, cây traposa lấy tinh dầu, khu biệt thự cao cấp, khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu trung tâm thương mại và khu nhà phố mật độ cao... Công ty này hiện đang có 2 khách sạn biệt thự lớn đang hoạt động rất hiệu quả là khách sạn Hoa Hồng và Hoa Sim. Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Tây Nguyên đầu tư 600 tỷ thực hiện dự án du lịch sinh thái với dịch vụ leo núi, cáp treo, săn bắn, cưỡi voi... và nhiều dự án của nhiều nhà đầu tư khác nữa đang thực hiện: Trồng rau - hoa xứ lạnh, trồng chè Ô long xuất khẩu... Trong tương lai không xa, một thành phố du lịch hiện đại và tiện nghi sẽ xuất hiện nơi đây, nơi được mệnh danh là chiếc tủ lạnh khổng lồ giữa lưng chừng trời.

   Măng Đen là cách người kinh gọi chệch đi từ T’mang Đeeng, tiếng dân tộc Mơ Nâm có nghĩa là vùng đất bằng phẳng rộng lớn là nơi phân thủy Đông – Tây Trường Sơn, tại đây thời Mỹ - Ngụy chiếm đóng đã có sân bay, nên bây giờ việc khôi phục mở lại đường bay ở đây là điều trong tầm tay. Bên cạnh đó, đường bộ đến Măng Đen bây giờ khá tốt và hiện tại nó đang được Chính phủ đưa vào dự án trong dự án lớn đường Hồ Chí Minh, mở rộng hai con đèo Violăc và đèo Măng Đen. Bộ Giao thông Vận tải xem đây là điểm huyết mạch trên đường xuyên Á khi đại lộ Đông Trường Sơn có khoảng 40km đi qua Kon Plông. Măng Đen cũng là nơi được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là “Di tích lịch sử Cách mạng ” năm 2000.

Trong xu thế phát triển du lịch thế giới, khu vực và Việt Nam hiện nay, Kon Tum được xác định là đầu mối cho các tuyến du lịch trong nước và quốc tế quan trọng như: Tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch CARAVAN đi qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam... Kon Tum đang dần nâng cao vị thế của mình trong hệ thống tuyến điểm du lịch quốc gia và trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước.

   Kính thưa quý vị!

Việc phát triển du lịch Kon Tum là phù hợp với trào lưu, xu thế phát triển của du lịch thế giới, với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, trong đó Kon Tum được xác định là một điểm du lịch quan trọng trong hệ thống các tuyến điểm du lịch của quốc gia, cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Đứng trước thực trạng trên, ngành du lịch Kon Tum đang rất cần sự ủng hộ và quan tâm của các tỉnh, các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu đầu tư cho du lịch Kon Tum là khá cao nhưng khả thi bởi các yếu tố tác động nội sinh và ngoại sinh từ việc khu Măng Đen được xếp vào khu du lịch Quốc gia và sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi; sự chỉ đạo và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum để tạo môi trường thuận lợi về đầu tư, khai thác...

Trong giai đoạn mới, ngành du lịch Kon Tum tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray... Đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá về du lịch, quy hoạch hiệu quả khu du lịch Đông Trường Sơn, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu du lịch Măng Đen trên cơ sở huy động mọi nguồn lực; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân đối với hoạt động du lịch, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng.

Với những ý nghĩa và mục đích trên đây, tôi xin chúc sức khỏe quý vị đại biểu đã về dự hội thảo Phát triển du lịch Duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên” và trân trọng đề nghị các nhà quản lý và kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh, những tấm lòng thiện cảm, chân tình và cởi mở với Kon Tum, bằng công trình nghiên cứu khách quan về du lịch, đề xuất những giải pháp nhằm sớm khai thác, phát huy những tiềm năng du lịch vốn có ở một tỉnh Bắc Tây Nguyên này, nơi có ngã Ba Đông dương “Một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”. Có sản phẩm sâm Ngọc Linh tốt nhất thế giới với định hướng du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thời gian tới, tiếp tục tăng cường liên kết với các thị trường du lịch trong và ngoài nước như:  Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận… TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh Nam Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi - Kon Tum.

Việt Nam là cuối nguồn của dòng sông Mê Kông và đang thụ hưởng dự án “Tiểu vùng sông Mê Kông”(GMS) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho 6 nước dọc theo con sông này phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Các hãng lữ hành đã mở các tuyến du lịch dọc theo con sông này để đưa khách du lịch đến Campuchia và ngược lại. Đây là dòng sông duy nhất được sử dụng để thu hút khách hàng nước ngoài bằng phương tiện giao thông đường bộ. Giao thông vận tải đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của hoạt động lữ hành nói riêng và du lịch nói chung, ngược lại hoạt động du lịch và lữ hành góp phần quan trọng cho việc phát triển giao thông vận tải, đặc biệt đối với vận chuyển khách hàng.

 

Xin trân trọng cảm ơn và chúc  hội  thảo  thành công tốt đẹp!

Số lượt xem:1727
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 3112 Số người online:
TNC Phát triển: