banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
KON TUM: 15 NĂM NỖ LỰC GÌN GIỮ VÀ KHÔI PHỤC NHÀ RÔNG TRUYỀN THỐNG
12-6-2014

Từ bao đời nay nhà Rông là một thành tố không thể thiếu được, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo tâm niệm của đồng bào đã có làng là phải có nhà Rông, làng nào không có nhà Rông, làng đó thiếu hẳn sức sống cội nguồn mãnh liệt.  

Du khách tham quan nhà Rông Ba Na - Kon Tum ngày càng đông (ảnh: NSNA Minh Đức)

Nhà Rông Kon Tum - Bắc Tây Nguyên trong những năm qua, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học, thể hiện qua các công trình nghiên cứu và đã được xuất bản, phổ biến như: Nhà Rông của các dân tộc Bắc Tây Nguyên của PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng; Hoa văn trên Nhà Rông Bah Nar của T.S Nguyễn Duy Thiệu; Nhà Rông- Nhà Làng của nhà nghiên cứu Chu Thái Sơn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần 1, lần 2 của tỉnh Kon Tum; Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhà Rông- Nhà Rông văn hóa do Viện Văn hóa - Thông tin, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ VH-TT) và Sở VHTT tỉnh Kon Tum xuất bản cuối năm 2004; Nhà Rông Tây Nguyên của hai tác giả Nguyễn Văn Kự - Lưu Hùng (NXB Thế giới 2007). Ngoài ra, Nhà Rông Kon Tum - Tây Nguyên được xây dựng ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (lấy nguyên mẫu Nhà Rông làng Kon Rơ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum); Ti Trường Đại học An ninh nhân dân Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng Nhà Rông Xơ Đăng theo nguyên mẫu Nhà Rông làng Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô và mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hành tập sách ảnh Nhà Rông Kon Tum - Bắc Tây Nguyên, xuất bản năm 2013.

Thực hiện Nghị quyết TW4 (khoá VII), NQTW5 (khoá VIII) Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chương trình hành động số 122/CTr-TU ngày 04/4/1994 thực hiện NQTW4 về một số nhiệm vụ công tác văn hoá, văn nghệ trong những năm trước mắt; Chương trình số 67/CTTr-TU ngày 07/10/1998 về văn hóa - văn học nghệ thuật; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UB ngày 25/11/1999 về việc duy trì và khôi phục nhà Rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố đưa mục tiêu khôi phục nhà Rông vào nội dung chương trình thực hiện NQTW5; Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh được phân công kết nghĩa với các xã theo Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy (nay là Nghị Quyết 04) cần  vận động nhân dân xây dựng lại nhà rông, sửa chữa các nhà rông bị hư hỏng, dột nát, tìm biện pháp dúp đỡ nhân dân khôi phục lại nhà rông truyền thống; Khuyến khích nhân dân xây dựng nhà rông theo kiến trúc truyền thống bằng công sức, tiền của đóng góp tự nguyện và xây dựng nhà Rông bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các vùng định canh định cư hoặc bằng các nguồn tại trợ khác, chủ đầu tư phải tham khảo ý kiến và được sự đồng ý của Sở Văn hóa - Thông tin, Sở xây dựng về phương án thiết kế, nguyên vật liệu làm nhà rông mới được tiến hành xây dựng.

Tỉnh uỷ Kon Tum đã ban hành Văn bản số 04/HD-TU ngày 03/5/2002 hướng dẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW5 (khoá VIII) nếu rõ: “Đẩy mạnh việc xây dựng nhà Rông văn hóa ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng nội dung sinh hoạt ở các nhà Rông, đây là một trong những tiêu chí xây dựng làng văn hoá...”. Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố cũng đã ban hành nghị quyết, chương trình, đề án về khôi phục nhà Rông truyền thống.

 Năm 1999, toàn tỉnh có 265 nhà Rông và nhà Rông văn hóa /625 làng DTTS, đến cuối năm 2002 (sau 2 năm thực hiện toàn tỉnh Chỉ thị 21/CT-UB) tổng số Nhà Rông toàn tỉnh là 381 (tăng 116 nhà Rông), chiếm 60% làng dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã có Nhà Rông làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Đến nay. qua tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 501 nhà Rông và nhà Rông Văn hóa/549thôn, làng DTTS, đạt 91,25%. Nhiều huyện đạt tỷ lệ 100% như: huyện Đăk Tô (60/60); Kon Rẫy (43/43); Kon Plông (89/89). Các huyện: Ngọc Hồi 35/36 (97,22%); huyện Sa Thầy 34/36 (94,44%); huyện Đăk Tô 38/41 (92,68%); huyện Đăk Glei 83/92 (90,2%); thành phố Kon Tum 54/61 (88,52%) và huyện Tu Mơ Rông 65/91 (71,4%), 45làng không có nhà Rông do bị hư hỏng nặng.

Dân làng Kon Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà Chuẩn bị lễ mừng Nhà Rông mới

Điều đáng ghi nhận, các nhà Rông được nhân dân tự đóng góp sức công, sức của để xây dựng nhà Rông, bình quân kinh phí để làm một nhà Rông dao động từ 50 - 100 triệu, có khi gần 1 tỷ đồng/ nhà Rông. Tuy nhiên, để khôi phục, xây dựng nhà Rông theo cấu trúc nhà Rông truyền thống là rất khó. Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm cột gỗ; tranh, lá cọ, song mây, quỹ đất và nghệ nhân giỏi biết cách thức làm nhà Rông truyền thống của dân tộc.

Khó nhưng cũng phải làm, vì giá trị tường tồn của nhà Rông truyền thống, nơi gìn giữ, bảo tồn hầu hết các giá trị truyền thống nguyên bản của các tộc người bản địa ở Kon Tum.

Để bảo tồn và phát huy nhà Rông truyền thống, trong quy hoạch phát quỹ đất của các làng đồng bào dân tộc thiểu số cần bố trí những khu đất đủ rộng, ở vị trí nổi trội nhất trong làng. Cần tái hiện lại không gian kiến trúc nhà Rông vốn có từ ngàn đời ở từng dân tộc, từng nhóm dân tộc, với tất cả các kiểu dáng, chất liệu vốn có của nó.

Nên coi nhà Rông như một thiết chế văn hóa ở cơ sở để được đầu tư các trang thiết bị cho sinh hoạt như: Hệ thống âmply, loa phóng thanh, hệ thống video, tivi, tủ sách, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc… ngoài ra cần bố trí ảnh, tượng Bác Hồ; cờ Tổ quốc; Quốc hiệu, có thể treo các bảng thông báo, quy ước về bảo vệ rừng,  an ninh trật tự, tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa… Bằng khen, Giấy khen…  cần được bố trí hợp lý ở nơi trang trọng.

Việc xây dựng nhà Rông truyền thống ở các làng phải xuất phát từ nguyện vọng của dân làng mà Già làng, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, các tổ chức đoàn thể làm đại diện và phải có nghệ nhân hoặc người am hiểu về phong tục, kiến trúc xây dựng nhà Rông của dân tộc mình đứng ra đảm trách, thực hiện, quyết định địa điểm, kiến trúc và người dân trực tiếp làm để tạo tâm lý gần gũi, tôn trọng mái nhà Rông do mình làm nên đồng thời phải có sự hỗ trợ của chính quyền, cấp ủy địa phương cũng như các sở, ban ngành trong toàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng những giá trị, ý nghĩa của nhà Rông trong cộng đồng làng; tìm cách “thổi hồn” vào nhà Rông bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trước hết là công tác tu bổ, tôn tạo, vệ sinh; tổ chức vinh danh, khen thưởng học sinh, sinh viên, trao các quyết định, bằng khen, giấy khen…

Việc bảo tồn, phát huy nhà Rông truyền thống trong cộng đồng làng các dân tộc tỉnh Kon Tum sẽ làm cho làng có một “Di tích sống” trong đời sống đương đại, góp phần phát triển du lịch, đời sống văn hóa - kinh tế - xã hội của người dân./.

 

                                                                                            Trần Lâm

Số lượt xem:1640
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 1442 Số người online:
TNC Phát triển: