banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Du lịch cộng đồng, hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của du lịch Kon Tum
24-1-2013

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, những năm gần đây du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội, cho nhân dân địa phương vùng nông thôn. Du lịch cộng đồng gắn với nhiều hoạt động như tham quan các làng nghề, khám phá núi rừng thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa các dân tộc..., trong đó, tiêu biểu nhất là loại hình khách du lịch đến ở nhà người dân địa phương để cùng ăn, nghỉ, tham gia các công việc hàng ngày cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ (homestay). Hiện mô hình này đã được áp dụng phổ biến và khá thành công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc của Việt

         Xu thế phát triển du lịch hiện nay là hướng tới những khu vực có tiềm năng đặc sắc về mặt thiên nhiên và văn hoá. Chính vì thế, những tour du lịch đến những bản làng xa xôi được khách du lịch quốc tế ưa chuộng. Thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hoá, du lịch còn nguyên sơ đó là một thế mạnh của ngành du lịch Kon Tum. Chính vì vậy, để phát triển du lịch cộng đồng, điều mà du lịch Kon Tum cần hướng tới là bảo tồn những giá trị văn hoá của các dân tộc bản địa, kết hợp giữa nhà nước, nhân dân và các nhà kinh doanh du lịch.


Du lịch tỉnh Kon Tum có nhiều điểm mạnh: Có cửa khẩu quc tế Bờ Y giao  thương 3 nước: Việt Nam - Lào và Campuchia; có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng; có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ còn đậm vẻ hoang sơ, các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn… Tiềm năng du lịch của Kon Tum tương đối đa dạng và phong phú cả về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, cho phép Kon Tum phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh Kon Tum luôn duy trì phát triển ở mức khá, lượng khách du lịch năm 2012 tăng 26,5% so với năm 2011, trong đó khách quốc tế tăng 28,2%. Đã từng bước quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số khu, tuyến điểm du lịch, nhất là khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong ngành du lịch cũng đã được thực hiện, nhờ đó đã có sự tác động tích cực đến phát triển ngành du lịch.

Trong định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020, đối với ngành du lịch sẽ tập trung điều tra, khảo sát kỹ tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh để đề xuất tập trung đầu tư các cụm, điểm du lịch; hình thành các điểm nhấn du lịch (điểm du lịch cột mốc ba biên giới; khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; suối nước nóng Đắk Tô - Thác Đắk Lung; rừng đặc dụng Đắk Ui; vườn quốc gia Chư Mom Ray; khu du lịch Măng Đen,...) để đầu tư, khai thác nhằm tạo tính hấp dẫn, thu hút và lưu giữ khách du lịch. Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, đặc trưng, nhất là ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông để đầu tư xây dựng thành các làng văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

          Hiện nay các công ty du lịch trong tỉnh đã tổ chức các tour du lịch cộng đồng xuống một số làng bản của thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông, tuy nhiên các hoạt động này chưa đi vào nề nếp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hoạt động tự phát, chưa được quy hoạch, quản lý và cũng chưa có sự hướng dẫn để người dân cùng tham gia khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế.

          Xác định “Văn hoá các dân tộc là tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng, là hướng đột phá cho phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh”, xây dựng các làng văn hoá du lịch cộng đồng để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc. Việc xây dựng các làng du lịch cộng đồng, chắc chắn sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản, nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng từng bước được nâng lên. Việc hình thành và phát triển của các làng du lịch cộng đồng sẽ đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân, thể hiện ở chỗ: Trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như tạo thêm việc làm, giao lưu văn hoá và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hoá được nâng cao. Bên cạnh đó, hiệu quả các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương tạo ra như: Nhà ở được sửa sang, mua sắm trang thiết bị tối thiểu để phục vụ và đưa - đón khách du lịch tham quan, lưu trú, ý thức sống vệ sinh, làm đẹp cảnh quan làng bản được nâng lên. Qua các lớp tập huấn, sự hướng dẫn của chuyên gia, sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch cộng đồng sẽ giúp cho người dân trong làng bản có được những kỹ năng cơ bản về kinh doanh du lịch.

          Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, cần phải có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng bản nằm trên các tour, tuyến du lịch chính của tỉnh. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ tại các làng  bản. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hoá phong phú trong phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng cũng như góp phần vào giữ gìn và phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống, những nét văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân...

Tấn Phát

 

Số lượt xem:2113
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 535 Số người online:
TNC Phát triển: