banner
Thứ 4, ngày 25 tháng 12 năm 2024
Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý
11-10-2016

          Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" nhằm giới thiệu các bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật và một số ấn phẩm xuất bản, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

          Triển lãm bao gồm nhiều tư liệu, văn bản, ấn phẩm và gần 100 bản đồ là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

Chiều 7/10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

        Triển lãm lần này, nhiều tư liệu, văn bản, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày. Đây là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

         Bản đồ và tư liệu được trưng bày tại triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu cho thấy nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. 

          Những bằng chứng này bao gồm: Các tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; bộ châu bản của vương triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1926-1945); bộ sưu tập 102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX có những thông tin liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Đây là các công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển bách khoa, tạp chí, hồi ký của các nhà hàng hải, thương gia, nhà truyền giáo phương Tây…  Bên cạnh đó là các bản đồ Việt Nam thời phong kiến (thế kỷ XVI-XIX) ghi nhận chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI-XIX) ghi nhận chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI-XIX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc và bản đồ Trung Quốc do nhà nước Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI-XX) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc…

          Tham gia Triển lãm, bộ ảnh với chủ đề “ Kon Tum chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ biển đảo”,  gồm 50 hình ảnh về các hoạt động tham gia xây dựng và bảo vệ biển, đảo của cấp ủy, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum; hình ảnh Kon Tum hướng về Hoàng Sa, Trường làm phong phú thêm cho hoạt động tuyên truyền này.

          Với những tư liệu lịch sử, những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển, đảo khắc thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

          Triển lãm còn khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân tỉnh Kon Tum nói riêng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; làm bạn bè quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới hiểu được mong muốn, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực.

          Triển lãm cũng góp phần khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần đoàn kết và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tổ chức, quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách có hiệu quả, bền vững.

        Theo con số thống kê sơ bộ, đến sáng 10/10/2016, Triển lãm thu hút trên 3.000 lượt người đến thăm quan.

          Triển lãm mở cửa phục vụ Nhân dân đến hết ngày 11/10/2016 và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm lưu động phục vụ Nhân dân tại trung tâm các huyện.

                                                                                                                                          - Sở VHTTDL -

          

Số lượt xem:1084
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 1429 Số người online:
TNC Phát triển: