Kết thúc Đại hội, ngày 25/9/2020, thừa lệnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum đã có Thông báo số 01-TB/TU về kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum, lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, với nội dung thông báo:
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ ngày 22-9-2020 đến ngày 25-9-2020 tại Hội trường Ngọc Linh, thành phố Kon Tum (Đại hội trù bị vào buổi chiều ngày 22-9-2020). Dự Đại hội có 346/346 đại biểu (trong đó có 47 đại biểu đương nhiên, 299 đại biểu bầu; 03 đại biểu dự khuyết được chuyển thành đại biểu chính thức) đại diện cho hơn 29.000 đảng viên của 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ.
1. Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm, Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thống nhất với những định hướng lớn trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.
2. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI gồm 50 đồng chí. Trong đó: Nữ 07 đồng chí (14%); dân tộc thiểu số 18 đồng chí (36%); tái cử 36 đồng chí (72%), tuổi bình quân 48,6 tuổi.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 15 đồng chí; bầu đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XV tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI; bầu các đồng chí A Pớt, Nguyễn Văn Hòa, Lê Ngọc Tuấn tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ khóa XVI; bầu Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ gồm 10 đồng chí, bầu đồng chí Y Thị Bích Thọ giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ khóa XVI.
Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 15 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết.
3. Qua 3,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, Đại hội đã quyết nghị về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:
3.1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
3.2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nông-lâm-thuỷ sản 19-20%, công nghiệp-xây dựng 32-33%, thương mại-dịch vụ 42-43%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD). Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025.
- Đến năm 2025: Quy mô dân số khoảng 620.000 người; trên 60% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; có 60 xã (70,5%) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 85%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 64%.
- Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hằng năm đạt trên 90%. Đến năm 2025, có trên 80% xã, phường, thị trấn mạnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Đến năm 2025, kết nạp trên 5.000 đảng viên mới. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 75%. Trên 76% quần chúng được tập hợp vào các đoàn thể chính trị-xã hội.
3.3. Nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; (3) Thực hiện đầy đủ, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; (4) Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (6) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.
3.4. Lĩnh vực đột phá
(1) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến.
(2) Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình.
(3) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).
3.5. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
- Thực hiện tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới. Rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao độ che phủ rừng. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo. Nâng cao chất lượng xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú.
- Tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Rà soát xác định lại các vùng kinh tế động lực của tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo sự lan tỏa cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh nguồn tài lực, vật lực của tỉnh. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gắn với đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo tình hình; chủ động đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào "toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; đẩy mạnh đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt công tác đối ngoại.
- Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả NQTW 4 khóa XII, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Đảng về nêu gương. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. Triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan Nhà nước trong công tác giám sát, phản biện xã hội, vận động quần chúng.
4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Quyết tâm thực hiện có hiệu quả mục tiêu "Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững", góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng