banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
LĨNH VỰC ĐỘT PHÁ KON TUM XÁC ĐỊNH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN MẠNH NGÀNH DU LỊCH
17-9-2020

 Phát huy lợi thế là tỉnh cửa ngõ, trung tâm vùng tam giác phát triển và nằm trên tuyến hành lang thương mại Đông-Tây từ Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Việt Nam), có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhất là du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, danh thắng lịch sử… gắn với các di sản văn hóa của thế giới. Việc đầu tư, khai thác du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác.

 Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Kon Tum đã được tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đã cho chủ trương đầu tư một số dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Ngọc Hồi...; nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác và kết nối giữa thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; giữa Kon Tum và các tỉnh, thành phố khác… tiếp tục được mở rộng, phát triển. Lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm.

Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, điểm đến lý tưởng bốn mùa cho du khách trải nghiệm văn hóa - khám phá thiên nhiên

                                                                                                                               Ảnh: Văn Lâm

 Tổng lượng khách đến Kon Tum trong năm 2019 đạt 462,000 lượt khách tăng 3,05% so với năm 2018. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 185,000 lượt khách tăng 1,83%; Tổng doanh thu chuyên ngành đạt 297,340 triệu đồng, tăng17,22% so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến Kon Tum đạt 190.500 lượt khách, giảm 36,03% so với năm 2019. Trong đó, lượng khách quốc tế 50.550 lượt khách (giảm 59%) và tổng doanh thu chuyên ngành ước đạt 82.936 triệu đồng giảm 45% so với năm 2019.

Lượng khách quốc tế đến Kon Tum ngày càng đông, chủ yếu là khám phá thiên nhiên, trải nghiệm về văn hóa, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được phát huy đúng mức, nhất là tiềm năng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và dược liệu chưa được đầu tư khai thác; chưa kết nối phát triển các tuor, tuyến du lịch với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và tuyến hành lang thương mại Đông-Tây, cơ sở lưu trú du lịch còn hạn chế, đến nay toàn tỉnh mới có 143 khách sạn, nhà nghỉ với 2.084 phòng, trong đó có 2 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn 3 sao, 9 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn 2 sao, 55 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn1 sao và 77 nhà nghỉ du lịch; phát triển dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; quy mô, chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa cao.

Để phát huy lợi thế, tiềm năng đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, trong các nhiệm kỳ 2020 - 2025, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đã xác định một trong 3 lĩnh vực đột phát là “Đầu tư, phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với bản sắc riêng của Kon Tum” trong đó tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về văn hóa truyền thống, hình ảnh thiên nhiên - con người tỉnh Kon Tum, góp phần phát triển du lịch”.

Phát triển Du lịch theo hướng bền vững

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa, nhất là các di sản văn hóa đã được xếp hạng, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch nhanh, bền vững. Văn hóa là cái gốc để tạo ra các sản phẩm du lịch và thế mạnh của tỉnh chính là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh và chỉ có dựa vào văn hóa thì du lịch mới phát triển được.

Múa xoang, kết nối vòng tay bè bạn (Ảnh: Trần Lâm)

Trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đã xác định sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum và cả khu vực Tây Nguyên là “Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống. Phát triển mạnh du lịch ẩm thực; phát huy các giá trị văn hóa vùng miền làm nền tảng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới”.

Định hướng mới cho chiến lược đầu tư phát triển

Trong buổi làm của Bí Thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh những ghi nhận trong việc tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình thì công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch của tỉnh chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch còn thiếu và yêu cầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính chiến lước, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum (Ảnh: Trần Lâm)

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới cần tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum định hướng đến năm 2030 phù hợp với thực tế; đồng thời rà soát, thống kế, đánh giá hiện trạng toàn bộ các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch giàu tiềm năng.

Trước mắt, tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch tại thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn các huyện để tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh. Triển khai hợp tác, kết nối các tour, tuyến du lịch liên vùng và nội tỉnh, duy trì kết nối với các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào.

Ủy ban các huyện, thành phố trong xây dựng các dự án phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và phối hợp đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch như: Dự án khu du lịch hồ Đăk Yên (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum); dự án phát triển du lịch “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh” gắn với tham quan cơ sở sản xuất và nơi trưng bày các sản phẩm Sâm Ngọc Linh; Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố FLC Kon Tum; Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và Khu đô thị sinh thái - du lịch gắn với công viên phía Bắc Kon Tum; Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum...

Các huyện, thành phố kết nối với doanh nghiệp, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh các hoạt động liên kết, phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan hỗ trợ kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh Kon Tum, nghiên cứu lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành hiệp hội Du lịch tỉnh cho phù hợp, đảm bảo số lượng, cơ cấu, có uy tín và tâm huyết với công tác Hội, đồng thời đẩy mạn hơn nữa công tác quảng bá và xúc tiến du lịch.

Được xác định là một trong 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh, trong mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới các ngành, địa phương trong tỉnh cần rà soát kỹ và đề ra các giải pháp để sửa đổi, bổ sung các Đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tiếp tục triển khai lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch và công bố rộng rãi để thu hút đầu tư, nâng cao tính khả thi của các quy hoạch; đồng thời xây dựng chương trình hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH,TT&DL ký kết biên bản ghi nhớ 3 bên với Công ty FLC Travel & Events, Công ty Travel Master (Hàn Quốc) về phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch

                                                                                                                                Ảnh: Đỗ Minh

Việc tham gia của cộng đồng tại chỗ vào các hoạt động du lịch văn hóa dân tộc góp phần nâng cao chất lượng du lịch mang dấu ấn đặc trưng của tỉnh. Người dân địa phương được chia sẻ lợi ích kinh tế do ngành du lịch mang lại, sẽ có trách nhiệm với nghề nghiệp, môi trường du lịch, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại địa phương. Cho nên cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu lao động của ngành là một việc làm cần thiết để làm tăng chất lượng của sản phẩm du lịch.

Đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch mới, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm OCOP của mỗi địa phương, có tính an toàn cao, đa dạng, hấp dẫn; có chính sách miễn, giảm vé tham quan các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa; đồng thời xây dựng môi trường thân thiện, an toàn để thu hút khách du lịch.

Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, chuẩn bị các điều kiện hoặc cung cấp các tài liệu, ấn phẩm để tham gia các chương trình xúc tiến các thị trường du lịch nước ngoài, nghiên cứu thị trường, xây dựng thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế đến Kon...

Bên cạnh những chủ trương, chiến lược lớn, để phát triển du lịch của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của cộng đồng, các địa phương và sự ủng hộ, phối hợp của các ngành. Mục tiêu, nhiệm vụ do Nhà nước vạch ra nhưng việc đảm bảo phát triển du lịch lâu dài, thành công phụ thuộc nhiều yếu tố; song, nếu biết bắt đầu từ văn hóa bản xứ, phát triển vì mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đúng nghĩa phục vụ người dân tộc, có sự tham gia của chính cộng đồng văn hóa đó thì thị trường du lịch Kon Tum trong môi trường cạnh tranh hiện nay chắc chắn có vị trí nhất định.

N.V.B

Số lượt xem:2152
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 22201 Số người online:
TNC Phát triển: