banner
Thứ 3, ngày 7 tháng 5 năm 2024
Lễ mừng nhà Rông mới của người Xơ Đăng (nhóm T'Dră) ở Kon Tum
7-2-2017

 

Lễ mừng nhà Rông mới của tộc người Xơ Đăng (nhóm T’Dră) thường diễn ra trong 3 ngày. Từ sáng sớm ngày thứ nhất, già làng cùng dân làng đều đứng ở dưới chân cầu thang chưa ai được bước lên nhà Rông mới, bên cạnh là dàn chiêng, trống thiêng. Trống từ 09 đến 20 chiếc được làm bằng lõi thân cây lớn, liền mạch, đục rỗng bên trong, bịt da trâu, đường kính chiếc nhỏ nhất  khoảng 0,5m, lớn nhất khoảng 1,2m. Chiêng là bộ chiêng Lào cổ 3 chiếc. Già làng tay cầm cổ gà, miệng đọc lời khấn mời ông bà tổ tiên, mời các vị thần Đất, thần Nước, thần Rừng…, về dự mừng nhà Rông mới cùng dân làng. Khấn xong, già làng cắt cổ gà lấy máu bôi lên chiêng, trống. Sau đó, già làng bước lên cầu thang vào nhà Rông trước, dân làng theo sau mang theo chiêng, trống đặt vào chính giữa nhà Rông. Một ché rượu lớn được cột vào cây cột cái (cột chính ), già làng lại tiếp tục khấn mời các vị thần và lấy máu bôi vào ché rượu, vào các cây cột, vào phên, liếp xung quanh nhà Rông. Lúc này, mọi ngưòi ngồi vào tư thế đánh trống, mỗi chiếc trống có hai người ngồi đối diện nhau, hai tay cầm hai dùi ngắn, ba người khác cầm chiêng đứng xung quanh. Sau tiếng hú của già làng, chiêng trống nổi lên, tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động cho đến đủ 7 lần, 5 lượt. Phần nghi lễ của ngày thứ nhất đã xong. Đại ý:Dân làng chuẩn bị những gì quý báu nhất, thiêng liêng nhất của làng (Chiêng quý , trống thiêng, rượu..) để dâng lên vị thần canh giữ nhà Rông mới.

Dân làng tập trung trước nhà Rông chuẩn bị cho lễ hội. Ảnh: Lê Lâm

Ngày thứ 2, hầu hết người dân trong làng, những ai mong muốn điều tốt lành cho gia đình mình đều mang lễ vật đến nhà Rông. Các loại gia súc dùng để cúng tế như: bò, heo, dê, gà..được dắt đến cột dưới gầm nhà Rông, rượu ghè thì đặt san sát nhau trong nhà Rông ( mỗi hộ một ghè ). Trong ngày này, mọi người mới chính thức chỉnh sửa, trang trí chiêng trống. Sau lời khấn của già làng, chiêng trống được treo lên xà dọc của nhà Rông bằng những sợi dây rừng đập dập thành tua , tô vẽ thêm các màu đỏ, đen trông rất đẹp mắt.

Ngày thứ ba, từ sáng sớm, dân làng tụ tập lại ở nhà Rông. Họ bắt đầu đưa toàn bộ số súc vật hiến tế lên một ngọn đồi cao để tổ chức hội bắn. Hội bắn là một nghi thức hiến tế thần linh. Mọi người chôn một cây cọc lớn trên ngọn đồi, già làng đọc lời khấn mời các vị thần về chứng kiến, sau đó cắt tiết gà lấy máu bôi lên cọc và các mũi tên, già làng bắn trước, tiếp theo mọi người lần lượt cột các con vật hiến tế của gia đình mình vào cây cọc, vừa nhảy múa, vừa bắn chết  con vật bằng ná. Vật hiến  tế được mổ thịt, già làng lấy gan của con vật bôi lên đỉnh đầu, lấy máu bôi lên trán của từng người để cầu chúc điều tốt lành cho họ.


Thi bắn lá: “mọi người cùng nhau thi bắn lá cây, người nào bắn mũi tên xuyên thủng chiếc lá, khi mũi tên rơi xuống chiếc lá vẫn còn dính trên đầu mũi tên thì năm đó gặp nhiều may mắn.” Ảnh: Lê Lâm

Đối với những người trong năm cũ có nhiều điều không may như: trong gia đình có người đau ốm, làm không có ăn, bất đồng với người cùng làng…già làng dùng một mũi tên trên đầu mũi có găm một miếng thịt vừa nhảy múa vừa giương mũi tên trước mặt người đó để xua đuổi những điều xấu, giải toả những hiềm khích, hằn thù; nếu người đó đồng ý  thì ăn miếng thịt trên đầu mũi tên. Cũng tại ngọn đồi này, mọi người cùng nhau thi bắn lá cây, người nào bắn mũi tên xuyên thủng chiếc lá, khi mũi tên rơi xuống chiếc lá vẫn còn dính trên đầu mũi tên thì năm đó gặp nhiều may mắn.

Đến chiều tối khi toàn bộ số vật hiến tế đã mổ xong, đoàn người kéo nhau  về nhà Rông, già làng đi đầu, trên tay cầm một miếng gan to, những người khác thì mang vác thịt gia súc, vừa đi vừa nhảy múa. Về đến nhà Rông, già làng lấy gan và máu gia súc bôi lên cột nhà Rông, lên chiêng, trống, lên đầu và trán của những người làng đang có mặt tại đó.

Nghi thức cuối cùng của ngày thứ ba: Mọi người đánh một hồi trống 9 lần, 7 lượt, sau đó già làng khấn dâng toàn bộ số lễ vật lên các vị thần linh và cắt toàn bộ các dây treo trống, chiêng. Lúc này, mọi người đồng loạt lật đứng những chiếc trống vừa đánh, vừa nhún nhảy theo một tiết tấu hoàn toàn khác ( chậm, chắc từng phách, mang tính nhảy múa), các thiếu nữ vừa xoang, vừa mời rượu tất cả mọi người, dàn ching goong ( chiêng hội ) lúc này mới được quyền tham gia  tiết tấu những bài vui, bài hội rộn rã, các hộ gia đình mời khách  uống ché rượu của gia đình mình. Những hiềm thù, xung đột giữa các thành viên trong cộng đồng làng, giữa 2 người với nhau trong cùng một ống rượu và ôm nhau cùng lăn ra sàn nhà Rông để chứng tỏ lòng thân thiện.

Khi cuộc vui kết thúc, theo hiệu lệnh của già làng, mọi người cùng nhau đưa bộ chiêng, trống thiêng lên giàn cao ( nơi thiêng liêng dùng để cất giữ chiêng, trống trong nhà Rông ), cùng lúc này những vật tín ngưỡng như đầu trâu…cũng được đưa lên cột nhà Rông. Theo phong tục, bộ chiêng, trống thiêng sau khi đưa lên chỉ được đưa xuống khi nào có lễ hội lớn, ngoài ra không ai được quyền tự ý đưa xuống.

Hiện nay, lễ hội mừng nhà Rông mới của đồng bào dân tộc Xơ Đăng (nhóm T’Dră) hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn bản sắc và đầy tính độc đáo. /.

Phan Văn Hoàng

 

Số lượt xem:1639
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Với Đảng mùa Xuân (6-2-2017)
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2610 Tổng số người truy cập: 228 Số người online:
TNC Phát triển: