banner
Thứ 3, ngày 7 tháng 5 năm 2024
Thay đổi môi trường sống ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tôc thiếu số...
7-2-2017

        Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kon Tum đã dần được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên. Cùng với tăng trưởng kinh tế cao, mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân cũng được nâng lên, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được tăng cường và giữ vững. Tuy nhiên, hiện, Kon Tum vẫn còn là một tỉnh nghèo, cần nhiều nguồn lực để phát triển.

Đồng chí Phạm Thị Trung - TUV, Giám đốc SVH,TT&DL phát biểu tại Hội Nghị - Hội Thảo.                         Ảnh: An Đông

Những tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của Nhân dân kể từ khi xây dựng công trình Thủy điện Ialy, công trình thủy điện đầu tiên trên hệ thống sông Sê San; Thủy điện Plei Krông; Thủy điện Thượng Kon Tum.... Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển khá hoàn chỉnh, từ các tuyến đường giao thông, khu vực tái định canh, định cư cho người dân, đến hệ thống điện, trường học, trạm xá... được đầu tư xây dựng bài bản, góp phần cải thiện và nâng cao dân sinh. Trong quá trình triển khai thi công công trình, cùng với các dự án khác trên địa bàn, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum đến các xã, thôn, làng được trải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu văn hóa, lưu thông hàng hóa của Nhân dân, góp phần cải thiện đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong vùng tái định cư, nơi mà trước đây giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng được áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa; thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần nhờ đó cũng được nâng lên, có điều kiện hơn trong việc chăm lo cho con cái học hành tốt, chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí… Khi xây dựng công trình Thủy điện Plei Krông, tỉnh Kon Tum cũng có số hộ và số nhân khẩu phải tái định canh, định cư rất lớn, lên đến 2.500 hộ với khoảng 10.000 khẩu ở 4 huyện, thành phố là Kon Tum, Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho Nhân dân gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế hơn trước. Song nhìn chung, với sự nỗ lực của chủ đầu tư và sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay về điều kiện sinh sống, sản xuất của Nhân dân cơ bản ổn định và từng bước phát triển. Có thể nói, với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên hệ thống sông Sê San thì việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho  tỉnh Kon Tum ngày càng được quan tâm, nhiều tuyến giao thông được mở mới, nâng cấp; hệ thống lưới điện được kéo đến tận thôn, làng, hộ gia đình; trường học, trạm xá được xây dựng khang trang... góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn; trong đó có nhiều thôn, làng trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay đã hoàn toàn được thay đổi, nghèo đói, lạc hậu dần lùi xa, nhường chỗ cho cuộc sống ấm no tiến bộ.

Toàn cảnh Hội nghị -Hội thảo.                               Ảnh:An Đông

Thay đổi môi trường sống anh hưởng đến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu tái định cư; đó là:

Sự thay đổi trong hoạt động chăn nuôi: trước đây vốn không phát triển, hiện nay lại càng bị hạn chế do những bất cập ở khu tái định cư. Hầu hết các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum không có khu chăn thả buộc một số hộ phải bán gia súc; khu cư trú chật hẹp nên gà, vịt, heo không thể thả rông theo tập quán cũ.

Sự chuyển đổi môi trường cư trú và cấu trúc làng

Trước tái định cư, các làng DTTS toàn nhà sàn, có kho lúa ở sau nhà, cấu trúc làng theo vòng tròn, nhà Rông nằm chính giữa, nhà ở bao bọc xung quanh; làng có những lần di cư nhưng luôn gần với nguồn nước. Các điểm tái định cư hiện tại bố trí trên địa hình hẹp và dốc, mặt bằng cư trú được tạo từ san ủi. Rất dễ nhận ra sự thay đổi này, bởi đồng bào DTTS là tộc người có truyền thống cư trú theo vòng tròn hoặc oval, tạo thành một chỉnh thể liên kết, gồm: nhà chung, nhà ở, nhà kho, sân bãi, nghĩa địa, khu sản xuất,...

 

Làng định cư ở Kon Plông.                                               Ảnh: CP

Sơ đồ trên chỉ ra sự khác biệt tuyệt đối giữa làng truyền thống và làng tái định cư ở thủy điện. Sự chuyển đổi từ mặt bằng "vòng tròn" sang "nhà phố" ở khu tái định cư, không gian sống bị thu hẹp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự hạn hẹp về không gian dẫn đến nhà cửa bố trí chật chội, nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh nằm cạnh nhau; nghĩa địa - một phần quan trọng của cấu trúc ngôi làng truyền thống bị bỏ quên.

Những thay đổi hoàn toàn về kiến trúc và chức năng nhà ở truyền thống

Cùng với sự thay đổi về môi trường cư trú, những thay đổi về loại hình phương tiện nhà cửa cư trú diễn ra mạnh mẽ và rõ ràng nhất: Từ kiểu nhà sàn tre nứa sang kiểu nhà bê tông. Từ năm 2005 trở về trước, hầu hết các làng phổ biến kiến trúc nhà sàn tre và gỗ, lên khu tái định cư, mỗi hộ không kể đông hay ít người được nhận 1 ngôi nhà xây lợp tôn. Sự thiếu tính toán và dự báo khi thực hiện tái định cư của thủy điện đã gây nên khó khăn không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai cho đồng bào. Sau một thời gian sinh sống, nhiều gia đình tách hộ nhưng không có đất để làm nhà, cũng như đất canh tác.

Những không gian vốn có gắn với nhà sàn truyền thống như bếp lửa, gác bếp, nơi thờ cúng, góc để dụng cụ sản xuất, chỗ ngủ…, đã hoàn toàn biến mất hoặc đảo lộn trong những ngôi nhà bê tông. Trong không gian mới, mọi đồ dùng được bày biện lộn xộn không theo một nguyên tắc nào. Trang thiết bị trong nhà, bên cạnh gia sản truyền thống là cồng, chiêng, ché, nhà nhà đều mua sắm các vật dụng hiện đại như tủ, bàn ghế, giường, ti vi, đầu đĩa, chảo thu hình, xe máy, điện thoại di động.

Sự thay đổi về trang phục truyền thống: Trong các loại hình văn hóa vật thể, trang phục là cái rất dễ biến đổi bởi chịu sự tác động của bản thân mỗi cá nhân về nhu cầu, tâm lý, tính tiện lợi, dễ áp dụng so với những nhu cầu khác. Trong các khu tái định cư thủy điện hiện nay không có ai biết dệt, và cũng không ai muốn dệt; đồ dệt lại được bán giá quá cao so với khả năng của đồng bào, do vậy cũng không có nhu cầu đi mua ở làng khác. Cùng với quá trình tái định cư, các tuyến đường giao thông từ huyện đến xã đã góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, giao thương, dễ tiếp cận với quần áo may sẵn giá rẻ bày bán ở các trung tâm thị trấn. Việc lựa chọn loại hình trang phục mới là điều dễ hiểu và tất yếu, cũng như trang phục truyền thống chỉ xuất hiện những dịp làng có sự kiện, lễ hội hoặc có sự yêu cầu của chính quyền.

Dụng cụ sản xuất - sinh hoạt: Cuộc sống định canh, định cư đã góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề truyền thống, du nhập phương thức canh tác, công cụ sản xuất, kỹ thuật mới. Rất nhiều công cụ truyền thống khó tìm thấy ở các khu tái định cư như gậy chọc lỗ, rìu, cào cỏ, chày cối, nong nia, bồ lúa, bởi càng ngày chúng càng trở nên thừa thải, vô tác dụng. Những đồ dùng này hiện nay đã bị dần thay thế bằng đồ nhựa, nhôm, gỗ, sắt, ni lon,... Trong làng, người già biết đan cũng ngày càng bỏ dần, trong bếp không có giàn hong khói. Người đồng bào DTTS vốn nổi tiếng săn giỏi với hệ thống vũ khí, bẫy phong phú, dụng cụ đánh bắt thủy sản đa dạng và đa dụng, thì hiện nay đang dần biến mất vai trò và chức năng. Ở khu tái định cư, hoạt động săn bắn được duy trì nhưng không còn sử dụng nhiều loại vũ khí như trước đây. Đặc biệt, hầu như đã không nghe ai nhắc đến công việc như mò cá. bắt cá tôm, vợt cá, giăng lưới... Điều này không chỉ mới diễn ra ở khu tái định cư, mà đã có sự thay đổi từ lâu. Tuy nhiên, ở các khu tái định cư càng thấy rõ sự thay đôi này bởi sự thu hẹp về khu vực săn bắn và thú săn, khi xung quanh trở thành các khu rừng cấm, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng bảo vệ vành đai hồ thủy điện. Điều đáng lưu ý là so với những thay đổi trong đời sống văn hóa vật chất, sự biến mất dụng cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt ít có khả năng phục hồi hay quay trở lại truyền thống; bởi chính môi trường ngày càng khác biệt, cũng như ý thức thay đổi mạnh mẽ từ phía người dân theo xu hướng tiện lợi, rẻ và bền của những vật dụng hiện đại, chất liệu mới. Bên cạnh đó, ở khu tái định cư, xe máy là đồ dùng đáng chú ý nhất, ngoài sự tăng nhanh về số lượng, chúng góp phần thay đổi quan niệm của người dân vốn quanh năm quen di bộ, gián tiếp thúc đẩy các sự chuyển đổi trên mọi mặt trong đời sống cộng đồng, từ sự phá vỡ các trở ngại về địa lý, tăng dần sự tiếp xúc, quan hệ xã hội ngoài làng.

Xu hướng phục dựng và sử dụng nhà Rông truyền thống

Việc quy hoạch khu tái định cư chưa phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. (Ví dụ như tại khu tái định cư thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà không có nhà văn hóa (nhà Rông) và khu thể thao thôn để sinh hoạt cộng đồng. Nhà ở theo một khuôn mẫu và việc chọn vị trí cũng không được thông qua những người dân).

Khác với nhà ở, việc xây dựng nhà Rông vẫn thấy được tinh thần và không khí chung tay xây dựng và sửa chữa, xây dựng nhà Rông làm nơi sinh hoạt chung là nơi tập trung người dân. Hiện nay, nhà Rông vẫn là không gian chung cho các thành viên, mỗi khi có công việc tập thể, tổ chức lễ nghi, bếp lửa của nhà Rông lại đỏ lửa. Thanh niên ban đêm kéo nhau ra đây vui chơi hoặc ngủ lại. Không gian nhà Rông theo kiến trúc truyền thống vẫn sống động hơn so với những ngôi nhà xây dựng kiểu hiện đại, bê tông cốt thép. Tuy nhiên, sự gắn kết của cộng đồng qua nhà Rông không còn được như xưa, do không gian TÁI ĐỊNH CƯ buộc nhà cửa phân bố rải rác thiếu gắn kết và trước nhà Rông không có sân rộng để tổ chức các sinh hoạt chung.

Về các hoạt động văn hóa lễ hội

Sau khi ổn định nơi ở mới, các hoạt động văn hóa cộng đồng đã dần được phục hồi. Một số lễ hội duy trì thường xuyên, như: lễ Giọt nước, lễ Cầu an (Hơ Moong), lễ mừng nhà Rông mới, lễ Trỉa lúa, Mừng lúa mới, lễ Pơ Thi,...(Ya Tăng, Ya Ly, Ya Xiêr).

Cùng với văn hóa, nghệ thuật truyền thống, việc tiếp thụ văn hóa, nghệ thuật hiện đại cũng đan xen trong đời sống tinh thần của các cộng đồng dân cư. Điển hình việc tổ chức các lễ cưới, hầu hết đã theo trào lưu đương đại (Rượu bia, cỗ bàn, âm nhạc, trang trí,...).

Một vấn đề rất đáng quan tâm là sự tác động của tôn giáo. Một số cộng đồng dân cư trước đây chỉ thực hiện tín ngưỡng dân gian thuần túy, nhưng nay có niềm tin tôn giáo rất cao. Đặc biệt còn có tình trạng tin theo tà đạo (Tà đạo Hà Mòn ở xã Hơ Moong) gây nhiều hệ lụy khó lường.

Hội làng.                                                           Ảnh: Hồng Lê

Tái định cư là một tác động lớn làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của người dân vùng DTTS, do vậy chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

- Đối với những dự án lớn như xây dựng thủy điện, người dân ít có tiếng nói trong quá trình định canh và định cư, không được chủ động lựa chọn nơi cư trú và sản xuất, do đó, khi di dời người dân đến khu tái định cư mới Ban Quản lý dự án cũng như chính quyền các cấp cần lấy ý kiến của người dân. Cần lựa chọn vùng đất, diện tích, điều kiện sản xuất đảm bảo người dân có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống ổn định cao hơn hoặc bằng nơi định cư củ.

- Cần phải có chính sách phù hợp trong bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS - đối tượng bị tác động trực tiếp bởi tái định cư. Điều này đặt ra việc xem xét sự thay đổi từ chính cộng đồng bị ảnh hưởng: họ chủ động hay bị động trước những tác động đó, sẽ cho thấy cách họ tự lựa chọn hay bị cưỡng ép để thay đổi, từ đó phản ánh cách họ bảo tồn có ý thức hay vô thức các giá trị truyền thống.

- Tại các khu tái định cư ngoài việc nhà ở, đất sản xuất cần quan tâm đến việc xây dựng nhà Rông văn hóa để đồng bào DTTS có không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống.

- Khi xây dựng nhà ở tại khu tái định cư cần quan tâm đến kiến trúc nhà cửa của đồng bào DTTS cho phù hợp với đời sống văn hóa của họ.

- Về sự thay đổi điều kiện cư trú về cấu trúc làng, kiến trúc nhà cửa là điều đã từng xảy ra đối với đồng bào DTTS trong quá trình sinh tồn, nhưng được người dân tự nguyện và chủ động, do đó không gây nên sự xáo trộn hay đứt đoạn. Đặt sự thay đổi hiện nay của tái định cư trong diễn trình lịch sử của cộng đồng, ta thấy sự hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, tính chất và mức độ, đặc biệt người dân hoàn toàn bị động, miễn cưỡng. Điều này đặt ra vấn đề cần thực sự coi trọng vai trò cộng đồng trong quá trình quy hoạch và thực hiện tái định canh và tái định cư.

 

                                                                                            Ths. Phạm Thị Trung

Số lượt xem:1389
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Với Đảng mùa Xuân (6-2-2017)
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2610 Tổng số người truy cập: 94 Số người online:
TNC Phát triển: