“Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị
Di tích Nhà ngục Kon Tum”
Ngày 07/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Giá trị, ý nghĩa lịch sử và công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Nhà ngục Kon Tum”.
Về tham dự và chỉ đạo Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí: Y Vêng - nguyên UVTW Đảng, nguyên BTTU, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thanh Cao - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Ka Pa Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Xuôi - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Đoàn chủ trì Tọa đàm gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Nga - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phát biểu tại Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu: PGS.TS. Phạm Mai Hùng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN; NNC: Dương Trung Quốc - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội KHLSVN; PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; PGS.TS.NGUT. Phạm Xanh - Giảng viên cao cấp Khoa lịch sử, Trường Đại học KHXH ( Đại học Quốc gia ). Về tham dự buổi Tọa đàm có có sự tham gia của Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; thân nhân cựu tù chính trị, đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, địa phương trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề chính:
- Những ảnh hưởng to lớn của các sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Nhà ngục Kon Tum đối với phong trào cách mạng khu vực miền Trung -Tây Nguyên và cả nước: Vị trí, Nhà ngục Kon Tum trong hệ thống nhà tù ở Việt Nam thời bấy giờ, có vai trò như thế nào đối với chính sách thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung và ở Kon Tum nói riêng? Sự ra đời của “Chi bộ Binh” - cơ sở Đảng ở Kon Tum có ảnh hưởng như thế nào đối với phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân Kon Tum - khu vực và cả nước, sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cộng sản ta sau này? Nhà Ngục Kon Tum là nơi phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt nam - Nơi trường học cách mạng của những chiến sĩ cộng sản và là nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao thế hệ…
- Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum sau gần 30 năm được xếp hạng là di tích quốc gia: Trong những năm qua, Di tích đã được các Bộ ngành Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư tu bổ tôn tạo di tích; tỉnh Kon Tum đã chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục chế một số hiện vật bảo quản và công tác tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của di tích, phục vụ đón khách tham quan trong và ngoài tỉnh, trưng bày giới thiệu về những giá trị di tích đến với công chúng. Đây được xem là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Kon Tum; là điểm đến không thể thiếu đối với du khách gần xa mỗi khi đến tham quan, học tập và công tác tại Kon Tum. Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum hàng năm đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan trong đó có nhiều đồng chí là lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Qua trao đổi, thảo luận, nhiều nội dung đã được làm sáng tỏ, đi đến sự thống nhất các vấn đề đối với giá trị, ý nghĩa lịch sử cũng như đưa ra một số giải pháp thực tiễn mang tính định hướng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Nhà ngục Kon Tum trong thời gian đến, đặc biệt là bổ sung Cung đường 14 (đoạn từ Đăk Tô đến Đăk Glei với các địa danh như Đăk Pao, Đăk Tao và Đăk Pét) nơi đã ghi lại dấu ấn lịch sử về những sự kiện lịch sử đấu tranh anh dũng và đầy đau thương mất mát của những người chiến sĩ cách mạng mang bản án “lưu đày biệt sứ” trên mảnh đất Kon Tum vào hồ sơ di tích Nhà ngục Kon Tum. Trong thời gian đến, tỉnh Kon Tum tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hồ sơ di tích, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Nhà Ngục Kon Tum xứng tầm với vai trò, giá trị lịch sử di tích.
Phóng viên Đài PTTH tỉnh phỏng vấn NNC Dương Trung Quốc.
Tin - ảnh: Văn Phát, Nguyên Kon