banner
Chủ nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025
NHÀ RÔNG: TIÊU ĐIỂM BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HIỆN NAY
28-12-2020

 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra nhiều tiêu chí, hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng với sự phấn đấu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi.

Làm thế nào để có nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá đậm đà bản sắc của từng dân tộc, từng vùng miền đang là vấn đề được quan tâm.

Trong xây dựng nông thôn mới, văn hóa là một trong những tiêu chí khó, cách tiếp cận, nhận thức về văn hóa của các cấp và người dân nhiều nơi còn đơn giản, phiến diện, thậm chí xem nhẹ.

Nhà rông Ba Na, làng Kon K'lor, thành phố Kon Tum

Xây dựng Nông thôn mới chính là nâng cao đời sống mọi mặc cho người dân, nhưng cũng chính mục tiêu này mà cảnh quan, không gian, màu sắc văn hóa ở nhiều vùng nông thôn đang dần bị bê tông hóa. Nhiều công trình, hạng mục được xây mới theo ý chí chủ quan, theo hướng hiện đại, hợp thời; một số khác được sửa chữa, tu bổ làm cho méo mó, biến dạng để rồi cho ra một không gian, môi trường văn hóa hoàn toàn xa lạ.

Tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới phải là sự tái lập hoặc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở nông thôn, trong đó quan điểm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc phải được nhấn mạnh. Đó không đơn thuần là một phương cách, mà là một chiến lược làm sao tạo ra được một không gian văn hóa mới nhưng phải giữ nguyên vẹn cả phần hồn lẫn phần xác văn hóa cổ truyền, làm cho không gian văn hóa mới ấy sẽ được cộng đồng đón nhận, khai thác, sử dụng, có ý nghĩa hiện thực đối với cuộc sống nông thôn mới.

Tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh đã có 25 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 45 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 10 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Bình quân đạt 13,52% tiêu chí trên xã. Trong đó, về Văn hóa có 74 xã đạt tiêu chí ( 87,06%).

Trong cả giai đoạn 2016-2020, tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa được khẳng định: nhà rông, nhà dài với quy mô xây dựng đạt chuẩn được chấm là “nhà văn hóa” của thôn (làng) khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, là cấu trúc văn hóa vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính văn hóa. Tương tự, những nhà văn hóa xã được xây dựng theo mô hình nhà rông truyền thống cũng được xem là trung tâm văn hóa của xã.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV về “xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025” ghi rõ: “Đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Xây dựng mô hình thôn đạt chuẩn theo hướng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc, từng thôn…”.

Để hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, vùng người Kinh có nhà văn hóa, hội trường, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông có diện tích quy hoạch và quy mô xây dựng đạt chuẩn để được công nhận nông thôn mới, nhưng bên trong vấn đề này là không phải nhà rông nào cũng giống nhà rông nào, mỗi dân tộc có đặc thù, dáng dấp tuy ná ná giống nhau như hình hài lại không phải của chính dân tộc mình. Bài toán Đề án hỗ trợ xây dựng một số công trình trọng điểm trong nông thôn mới của tỉnh([1]) được tháo gỡ khi có các già làng, nghệ nhân và những người làm công tác văn hóa cùng ngồi lại và đưa ra đề xuất thiết kế mẫu cho các công trình này, để nó được mang dáng dấp, tâm hồn, chất liệu của dân tộc từng vùng. Những công trình này được xây lên nó sẽ không những là niềm tự hào của dân làng mà còn mang giá trị văn hóa, cốt cách của dân tộc nơi đó.

Nhà Rông của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, B’râu, Rơ Măm và nhà sàn H’re đều có những đặc điểm riêng của mỗi tộc người, đồng bào cần có những ngôi nhà rông “của chính họ”.

Nhà rông làng Đăk Wât

Ngày 11/10/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản có tính cấp bách và điều chỉnh về thiết kế mẫu các loại công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh, trước đó năm 2017, đã ban hành quy định mức đạt chuẩn Bộ tiêu chí về xã Nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020, trong đó nhiều điểm mới đã được đưa vào. Tiêu chí số 6 được bổ sung: “Trường hợp các địa phương sử dụng nhà Rông, nhà Dài, nhà sinh hoạt cộng đồng, đình làng, nhà văn hóa đã được xây dựng từ trước, nhà văn hóa liên thôn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân vẫn được tính đạt tiêu chí.

Từ quy định mới này, bà con không còn cảnh “được cái này mất cái kia” và muốn đạt tiêu chí nông thôn mới thì phải có công trình văn hóa, cũng đã nói lên sức mạnh, dấu ấn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Những địa phương đã làm được điều đó ở tỉnh Kon Tum nổi lên ở các xã: Hà Mòn (huyện Đăk Hà), Sa Sơn (huyện Sa Thầy), Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) và nhiều địa phương khác. Ở đây, bà con đã thành lập những câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng đàn hát dân ca, làm sống dậy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình thông qua thiết chế phổ thông là nhà văn hóa thôn và nhà rông, nhà văn hóa xã.

Với sự giữ gìn đó, những giá trị đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang tiếp tục được duy trì, phát huy tạo nên sắc thái vừa truyền thống vừa hiện đại ở vùng nông thôn mới. Trong quá trình đó, những người làm công tác Văn hóa nông thôn mới đang gánh phần trách nhiệm không hề nhẹ và đòi hỏi chúng ta phải có góc nhìn, ý thức trách nhiệm lớn lao, tích cực tổ chức, tìm tòi, lựa chọn cách thức giữ gìn đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Trần Khánh Lễ


[1] Đề án ban hành theo Quyết định 991/QĐ-UBND ngày 3/10/2014 về phê duyệt Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ một số công trình hạ tầng KT-XH thuộc CTr MTQG XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 (thường gọi là Đề án cơ chế đặc thù).

 

Số lượt xem:1058
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 5116 Số người online:
TNC Phát triển: