banner
Chủ nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025
NÉT RIÊNG TRONG HÁT RU CỦA DÂN TỘC BA NA
1-5-2017

   Là dân tộc thiểu số tại chỗ có dân số khá đông ở Kon Tum, dân tộc Bah Nar cũng là chủ nhân của những sắc màu văn hóa đặc trưng, với kho tàng văn nghệ dân gian hết sức phong phú, tiêu biểu; trong đó phải kể đến hát ru, với những nét riêng, độc đáo.

   Từ bao đời nay, với các thế hệ người Việt Nam, giấc ngủ tuổi thơ luôn gắn liền với những lời ru êm đềm, ngọt ngào. Đó là tình yêu, là mạch nguồn sự sống, nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người. Với người Kinh, lời ru thường được cất lên bởi tiếng “ầu ơ…” của bà, của mẹ: “ Ru con mẹ ru con, tiếng ru cả cuộc đời. Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời…”, “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm…”, “…Ngủ đi con, ngủ ngon lành. Lớn lên nối nghiệp cha anh thuở nào. Ngủ đi con, mẹ tự hào. Có con có cả đồng bào của con…”.

 

Tiết mục hát “Ru em” của dân tộc Ba Na (huyện Đăk Hà).

   Với người Ba Na ở Kon Tum, ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) - người say mê nghiên cứu, sưu tầm và khá am hiểu về văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum - cho chúng tôi biết: người Ba Na gọi hát ru là Hơlung oh, người Ba Na Rơngao gọi là Lông oh, đều có nghĩa là ru em. Và trong số các bài hát ru tiêu biểu của người Ba Na, phần lớn đều là “Mơmai hơlung”, có nghĩa là “Chị hát ru em” như: Nẽ nhâm oh ơi! Mẽ oei peh tra. Thẽng thẽng oh ơi. Mẽ oei jra hau …(Đừng khóc nữa em! Mẹ mắc giã lúa. Nín đi em ạ! Mẹ bận sàng gạo…); hoặc Nẽ nhâm oh ơi! Bă oei dăng năk. Thẽng thẽng oh ơi. Bă oei năk pam… (Đừng khóc em ơi! Cha bận giăng lưới. Thôi nín đi em. Cha mắc đặt đơm…); Nẽ nhâm ơ oh mã pơmãi eng kơdih.Thẽng thẽng ơ oh mẽ oei tanh brai wai khăn. Mẽ tanh ăn kơ ba mẽ wã pơyua kơ ũnh hnam.Thẽng thẽng eng oh eng bân đei khăn’ nao đei ao plâng…(Đừng khóc nữa em, em cưng của chị. Nín đi em, mẹ đang còn se chỉ dệt vải. Mẹ dệt chăn cho em và cho cả chúng ta. Nín đi em…).

   Cũng không khó để lý giải về nét riêng này, bởi với người Ba Na và một số dân tộc thiểu số khác, trước đây do điều kiện cuộc sống khó khăn, đời sống lạc hậu, sinh đẻ nhiều, cha mẹ luôn phải tất bật với các công việc hàng ngày; đặc biệt, người mẹ thì lại vất vả nhiều hơn, từ việc đi lấy củi, lấy nước, đi hái rau rừng về nấu ăn, đến việc đi trỉa lúa, trỉa bắp ngoài nương rẫy, lúc rảnh rỗi mẹ lại cặm cụi xe chỉ dệt vải…, vì thế trong hầu hết các gia đình, chị gái thường là người phải thay mẹ trông em, ru cho em ngủ.

   Ru em, trông em, công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không dễ chút nào. Phải thật kiên trì, khéo léo, chị mới có thể dỗ dành cho em hết khóc. Bằng tình thương, sự chịu đựng, bằng những câu hát mộc mạc, đơn sơ của chị kể về nỗi nhọc nhằn, về công việc hàng ngày của cha, của mẹ, dường như đã giúp em cảm nhận được, em không đòi theo cha mẹ lên nương rẫy nữa, em ngủ ngon để cha mẹ yên tâm đi làm: “…Thẽng thẽng oh thẽng. Tep dah tep eng oh eng. Bôh mẽ tõ đon, mẽ sớ ngon oh nhân lũk./… Nín đi em. Em hãy ngủ đi em cưng của chị. Đừng để mẹ bồn chồn khi nghe tiếng em khóc”…

   Với ca từ đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, những bài hát ru đã trở nên gần gũi, thân thuộc với bao thế hệ đồng bào Ba Na. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, cũng như nhiều dân tộc khác trên các vùng miền của đất nước, nhiều bài hát ru của dân tộc Ba Na cũng đang dần bị mai một và lãng quên theo thời gian. Các em gái dân tộc thiểu số hiện nay nói chung, dân tộc Ba Na nói riêng, do điều kiện sống tốt hơn, các em được đến trường, đến lớp học hành, không còn phải thay mẹ trông em, ru em như trước đây nữa; bên cạnh đó, việc truyền dạy hát ru cho thế hệ trẻ trong gia đình, cộng đồng cũng chưa được quan tâm; vì thế, các em rất thờ ơ, thậm chí nhiều em không biết, không thuộc bài hát ru nào của dân tộc mình.

   Trước thực trạng nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là hát ru, hát dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần bị phai mờ, tỉnh cũng đã có một số giải pháp, như: Tổ chức Liên hoan hát ru các làn điệu dân ca; đưa văn hóa dân tộc vào trường học…Tuy nhiên, cùng với các giải pháp của tỉnh, của cơ quan chức năng, thiết nghĩ từng gia đình, cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số cần quan tâm hơn tới việc truyền dạy, giúp thế hệ trẻ hiểu, tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; chủ động khơi dậy phong trào hát ru, hát dân ca trong cộng đồng nhân các dịp sinh hoạt, lễ hội của làng./.

T.H

Số lượt xem:2650
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 4941 Số người online:
TNC Phát triển: