banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018: Đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc
28-2-2019

   Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 diễn ra từ 14-17/12 với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút hàng ngàn lượt người dân trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài đến xem, thưởng thức, trải nghiệm, hòa mình vào “dòng chảy” các hoạt động, có thể được xem là sự kiện văn hóa - du lịch nổi bật nhất của tỉnh Kon Tum trong năm 2018.

Sôi động chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “ Sắc thắm Pơ lang” trong Lễ khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ 4 năm 2018.  Ảnh: Nguyên Kon

   Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động là Trưng bày di sản văn hóa, mỹ thuật nhiếp ảnh với chủ đề “Mùa giữ rẫy” tại Bảo tàng tỉnh. Đến với không gian văn hóa này, người dân, du khách được ngắm nhìn các cô, các chị thoăn thoắt bên khung dệt vải thổ cẩm, quá trình sản xuất những vật dụng đồ gốm thông thường trong nhà; chứng kiến nghề rèn của người Xơ Đăng, Giẻ-Triêng; được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và hòa mình vào các trò chơi dân gian, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum.


Chiêng, xoang bên cây nêu truyền thống của người Ba Na được phục dựng trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018. Ảnh: Nguyễn Đang
   Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân A Ngu (làng Đăk Riêng 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Được sự phân công của Ban Tổ chức, tôi cùng các nghệ nhân trong làng về đây phục dựng lại nhà kho, nhà canh rẫy, hình nộm xua đuổi con chim, con thú của bà con Xơ Đăng khi vào vụ mùa. Trước mùa thu hoạch vào tháng 11 và 12 hằng năm, bà con vào rừng tìm cái cây, bắt máng nước làm lễ mừng lúa mới, đưa cái lúa về kho…”.
   Bên bệ rèn với các dụng cụ thủ công, ông A Xê, đã sống hơn 80 mùa rẫy (thôn 4, xã Đăk Ui,  huyện Đăk Hà) đang thổi lửa bằng 2 bệ chế tác bằng da. “Từ thời xa xưa, bà con Xơ Đăng mình nổi tiếng với nghề rèn. Cứ trước mùa rẫy mới, bà con đến lò rèn sửa lại cái cuốc, cái niếc làm cỏ, cái gậy chọc lỗ, có như vậy mùa màng mới bội thu được. Đến với lễ hội lần này, tôi rất vui và mong muốn nghề rèn của đồng bào Xơ Đăng sẽ được nhiều người biết đến…” – già làng A Xê chia sẻ. 
   Tại làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), 28 nghệ nhân của 15 đơn vị cũng say sưa tạc những bức tượng gỗ độc đáo. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc đang thả hồn mình vào tác phẩm, “nghệ nhân nhí” A Hậu, 13 tuổi, học sinh lớp 8, dân tộc Ba Na ở thôn 7, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cho hay: “Cháu biết tạc tượng gỗ từ hơn 2 năm nay, do bố và các nghệ nhân trong thôn truyền dạy cho. Đây là lần đầu tiên cháu tham gia Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian. Cháu rất vui vì tại đây mình sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật tạc tượng gỗ”.


Khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh tại Liên hoan Văn hóa ẩm thực. Ảnh: Nguyên Kon

   Ông Dương Tôn Bảo, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Hội tham gia trưng bày, triển lãm lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh của 15 tác giả với 30 tác phẩm và 96 bức ảnh nghệ thuật của 8 tác giả tiêu biểu trong tỉnh. Triễn lãm với chủ đề ca ngợi con người, mảnh đất Kon Tum giàu tình nghĩa; qua đó quảng bá đến đông đảo người xem trong nước và du khách quốc tế hiểu biết hơn  về vùng đất Bắc Tây Nguyên thân thiện và mến khách…”.
   Theo dõi chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Tuần Văn hóa- Du lịch, bà Trần Thị Phương Dung (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật thật là ấn tượng, đặc biệt là hoạt cảnh sân khấu hóa mùa hoa Pơ lang nở trên nền nhạc của 2 nhạc phẩm “Sắc thắm Pơ lang”, “Em là hoa Pơ lang” do A Xin (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum), NSND Vy Hoa cùng tốp múa thể hiện. Tôi mong rằng tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức nhiều hoạt động về văn hóa để cho các dân tộc anh em các tỉnh giao lưu, tăng thêm sự hiểu biết, qua đó giới thiệu văn hóa các dân tộc bản địa của tỉnh Kon Tum với bạn bè trong nước và du khách quốc tế”.


Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn. Ảnh: Nguyên Lê

   Đến với Tuần Văn hóa – Du lịch lần này, đông đảo quan chức, người dân, du khách trong nước và quốc tế còn được thưởng thức trên 200 món ăn, thức uống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, có các món ăn, thức uống nổi tiếng Việt Nam và châu Á như: Gỏi lá, bò 1 nắng muối kiến vàng (thành phố Kon Tum); món thịt trâu 1 nắng nướng ăn với muối tiêu rừng (Đăk Glei); gà nướng, rượu sim rừng Măng Đen (Kon Plông); gà rừng tần hồng đẳng sâm, cá suối nướng ống với măng chua (Tu Mơ Rông); cơm lam, các loại rượu ghè; các món bánh cuốn, bánh ít, bánh canh, phở, mỳ, bún…
Bên cạnh đó, những người quan tâm đến các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền được mời đến Nhà hàng Ngọc Linh (thành phố Kon Tum) để tham quan, tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh qua việc trưng bày, giới thiệu 30 gian hàng của 20 đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có 6 đơn vị các tỉnh Tây Nguyên, An Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi; bao gồm các sản phẩm, du lịch đặc trương của đơn vị, địa phương mình như: Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tour du lịch tham quan các Di sản văn hóa thế giới (Quảng Nam), Tour du lịch nghỉ dưỡng (Lâm Đồng), Rượu sim rừng Măng Đen, gạo đỏ (Kon Plông), sản phẩm dệt thổ cẩm và rượu ghè của thành phố Kon Tum, các sản phẩm sâm củ Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum…
   Ngoài ra, người dân, du khách trong nước và quốc tế còn được thưởng ngoạn, say đắm trước những vũ điệu đầy sắc màu văn hóa của Lễ hội đường phố diễn ra vào chiều 15/12 với sự tham gia trình diễn, biểu diễn của gần 700 nghệ nhân, bao gồm các em học sinh của thành phố Kon Tum, 10 đoàn nghệ nhân các huyện,thành phố của tỉnh Kon Tum, 7 đoàn nghệ thuật và nghệ nhân của các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đặc biệt tại đây, các nghệ nhân, diễn viên các đoàn đã trình diễn những vũ điệu đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc; trong đó đáng chú ý màn diễn tấu cồng chiêng, xoang, trình diễn nhạc cụ dân tộc, đi cà kheo với trang phục truyền thống cùng với sự hóa trang những mặt nạ, con rối, dao, mác… nhằm tái hiện lại hoạt động lao động, sản xuất, đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc.
   Đặc biệt hơn, Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018 đã tạo không gian gặp gỡ, giao lưu văn hóa của các nghệ nhân, nghệ sỹ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc và tôn vinh, quảng bá về văn hóa - con người - Tây Nguyên trong mạch nguồn di sản "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên"; đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm mới, kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đưa văn hóa - du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện.
QĐ 
Số lượt xem:3521
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 614 Số người online:
TNC Phát triển: