Từ lâu nay, loại hình thể thao Dù lượn đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, môn thể thao mạo hiểm nhưng đầy thú vị này đang phát triển mạnh tại Việt Nam, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch thể thao, đang thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của công chúng, du khách trong nước và quốc tế.
Ông Dương Hiển Hoàng, nhân viên Công ty Huấn luyện và Dịch vụ bay số 05 Đà Nẵng vừa bay test tại điểm Chư Tan Kra và Sạc Ly cho biết, nếu làm được Sa Thầy sẽ thành thủ phủ dù lượn của quốc tế và trong nước. Vậy vì sao Sa Thầy - một huyện miền núi, biên giới lại được ông đánh giá là “Thủ phủ Dù lượn”?
Bay trên đồi Charlie
Thứ nhất, về địa hình: Sa Thầy có dãy núi Chư Tan Kra chạy dài, đồi núi nhiều tầng đón được nhiều hướng gió; độ cao phù hợp để bay dù lượn không động cơ và diều cánh tam giác. Vùng bay bên dưới phẳng và trống trải không bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao thế; không ảnh hưởng đến đường hàng không dân sự. Có nhiều điểm cất và hạ cánh dành cho các chuyến bay dài hoặc cho huấn luyện đồi thấp. Chư Tan Kra và Đồi Charlie đều là những điểm bay đẹp và đặc biệt đây còn là những địa danh mang tính lịch sử.
Thứ hai, về thời tiết: Thời tiết Sa Thầy thuận lợi để bay kéo dài từ tháng 10 đến tháng 7 năm sau. Có địa hình kết hợp với thời tiết nóng, sẽ có nhiều luồng khí nóng bốc lên từ 11 giờ đến 15 giờ hàng ngày, rất thích hợp để có chuyến bay XC (bay dài và lâu) dành cho các phi công chuyên nghiệp; có các đồi thấp dành cho công tác huấn luyện và tập bay hạ cánh chính xác.
Thứ ba, về giao thông: Sa Thầy cách trung tâm thành phố Kon Tum hơn 30 km. Cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y hơn 50 km; mặc dù các tuyến đường đến huyện Sa Thầy chưa được mở rộng, nhưng đã thông suốt và được trải nhựa, bê tông. Sa Thầy, đã có sẵn các tuyến đường giao thông đi từ thị trấn đến các điểm bay và hạ cánh.
Bay trên đỉnh núi Chưtan Kra
Với những ưu điểm về địa hình, thời tiết và giao thông, huyện Sa Thầy nếu được quan tâm đầu tư sẽ là một điểm bay có môi trường thuận lợi và an toàn nhất, thu hút các phi công thường xuyên về tập huấn thay vì phải đi nước ngoài như trước đây. Phát triển điểm bay thành nơi hội tụ và thi đấu các môn thể thao dù lượn có trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Đại hội Olympic và tiến tới sân chơi toàn cầu Wold Cup; tổ chức các giải thi đấu Quốc gia và Quốc tế thường xuyên cho các phi công trong nước cũng như nước ngoài; mở trường, thi nâng cấp nâng bằng, chứng chỉ cho tất cả các phi công mọi miền có nhu cầu; kết hợp với môn dù lượn không động cơ với các môn thể thao hàng không khác như dù, diều lượn có động cơ, máy bay siêu nhẹ để đa dạng hóa thêm thu hút các phi công trong khu vực cũng như quốc tế.
Ngoài các môn thể thao hàng không đầy hứa hẹn như đã nêu trên, dãy núi Chư Tan Kra rất phù hợp để tạo các sân chơi khác như tổ chức các giải Chạy Marathon quốc tế, giải thi các môn phối hợp Chạy, Bơi và bay dù (Aps), Trekking, Zipline…
Vì vậy, nếu được đầu tư khai thác loại hình thể thao Dù lượn thì khách du lịch trong nước và quốc tế sẽ biết đến Kon Tum - Sa Thầy là là “Thủ phủ Dù lượn”.
Bài, ảnh: Trương Anh Tài
Giám đốc Trung tâm VHTTDLTT huyện Sa Thầy