Kể từ năm 1977, ngày 18/5 hàng năm được Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) lấy làm ngày Quốc tế bảo tàng, ngày của cộng đồng bảo tàng trên toàn thế giới. Với cách nhìn nhận của ICOM: Bảo tàng là một thiết chế văn hóa có nhiệm vụ bảo tồn và kết nối hiện tại với quá khứ thông qua những sưu tập hiện vật bảo tàng. Chủ đề của 2015 mà ICOM đề xuất là “Bảo tàng cho một xã hội bền vững” đề nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo tàng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm góp sức xây dựng một xã hội bền vững.
Nhân ngày quốc tế Bảo tàng 18/5 xin giới thiệu vài nét về hoạt động của Bảo tàng tỉnh Kon Tum trong việc góp phần giữ gìn phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum
Bảo tàng tỉnh là loại hình bảo tàng công cộng, là một thiết chế văn hóa đặc biệt có chức năng nhiệm vụ vừa tiến hành nghiên cứu khoa học, giữ gìn bảo quản các di sản văn hóa vật chất và tinh thần, tự nhiên và xã hội của địa phương vừa làm công tác giáo dục và phổ biến khoa học.
Hơn 20 năm trôi qua, kể từ ngày chia tách tỉnh, với rất nhiều thiếu thốn về đội ngũ, cơ sở vật chất ban đầu, đến nay Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã vươn lên trở thành một thiết chế văn hóa, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, giữ gìn bảo quản, phát huy tác dụng giá trị di sản văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh nhà. Từ hơn 200 hiện vật được chia ra từ Bảo tàng Gia Lai – Kon Tum, đến nay Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, giữ gìn, bảo quản trên 20.000 hiện vật. Trong đó có gần 15.000 hiện vật khảo cổ học; 3.974 hiện vật dân tộc học; 1.400 hiện vật cách mạng kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội; 5.757 trang tư liệu; 2.589 ảnh tư liệu, thời sự ( Số liệu cập nhật đến tháng 3/2015).
Ngay từ buổi đầu thành lập, công tác sưu tầm luôn được Bảo tàng tỉnh Kon Tum xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là quyết định đúng đắn lúc đó, trong điều kiện một tỉnh chưa có Nhà Bảo tàng (chưa có nhà trưng bày). Bởi nếu ngày đó các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng không tích cực, không tranh thủ sưu tầm thì đến nay, có nhiều hiện vật dù có tiền cũng khó có thể sưu tầm được. Từ năm 1991 đến 2010, Bảo tàng Kon Tum đã tổ chức hàng trăm đợt sưu tầm hiện vật trên hầu khắp địa bàn trong tỉnh, hàng chục đợt sưu tầm ở các Bảo tàng, các Cục lưu trữ Trung ương, cũng như bảo tàng các tỉnh bạn, thu thập về cho kho cơ sở hàng chục ngàn trang tư liệu, hiện vật, hình ảnh, băng hình có giá trị.
Những ngày đầu mới thành lập, ngoài việc tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa bàn Thành phố Kon Tum, Bảo tàng còn tổ chức các đợt trưng bày lưu động tại một số huyện trong tỉnh; Giúp một số huyện như Đăk Glây, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Plong... xây dựng phòng truyền thống huyện. Bên cạnh đó để giới thiệu đặc trưng văn hóa dân tộc Kon Tum với đồng bào các địa phương, Bảo tàng tỉnh còn tích cực tham gia các đợt trưng bày khác được tổ chức trên địa bàn các tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Gia Lai...
Sau gần chục năm xây dựng Đề cương chính trị, Đề cương trưng bày và Dự án xây dựng Bảo tàng, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, năm 2007 công trình Bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng và đến đầu năm 2010, nhà Bảo tàng tỉnh xây dựng xong. Bảo tàng Kon Tum là toà nhà 3 tầng với kiến trúc hiện đại mang vóc dáng nhà rông truyền thống vùng Bắc Tây Nguyên. Đây là công trình kiến trúc văn hoá, là nơi gìn giữ, bảo quản, trưng bày các di sản văn hoá, lịch sử địa phương, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học tại Kon Tum.
Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, được sự giúp đỡ của Công ty mỹ thuật Trung ương và sự cố gắng của tập thể cán bộ chuyên môn, sau gần 2 năm thực hiện thi công, Bảo tàng tỉnh đã long trọng khánh thành, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 25/8/2012. Trưng bày của Bảo tàng Kon Tum là cuốn sử bằng tư liệu hiện vật, phản ánh các giai đoạn hình thành và phát triển của mảnh đất Kon Tum từ thời hậu kỳ đá cũ (cách ngày nay trên một vạn năm), đến hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí và cho đến ngày nay.
Hệ thống trưng bày:
Phần trưng bày cố định của Bảo tàng Kon Tum được bố trí ở tầng II và tầng III, với diện tích 1.447m2. Trong đó tầng II ( 937m2) gồm các phần: Khánh tiết - thiên nhiên – Địa chất khoáng sản - dân cư và văn hóa các dân tộc Kon Tum; Tầng III (510m2) trưng bày: Kon Tum trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kon Tum trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Góc trưng bày về thiên nhiên, Bảo tàng Kon Tum
Trên diện tích gần 1.500 m2, Bảo tàng đã trưng bày gần 2.000 hiện vật – tư liệu, 615 hình ảnh( trên diện 1: 265 ảnh và màn hình cảm ứng 350 ảnh), 89 tài liệu khoa học phụ. Trưng bày Bảo tàng đã cơ bản thể hiện được quá trình hình thành - phát triển, những nét văn hóa tiêu biểu đặc sắc và lịch sử đấu tranh cách mạng của mảnh đất và con người Kon Tum. Nhìn chung trưng bày cố định của Bảo tàng Kon Tum được thể hiện theo niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật gốc làm ngôn ngữ biểu đạt chính. kết hợp giữa trưng bày phản ánh các giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày theo sưu tập.
Tầng I được bố trí để tổ chức trưng bày các chuyên đề, sự kiện thời sự của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó tại tầng này còn có hội trường gần 200m2 với 200 ghế ngồi, được trang bị hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn hình… phục vụ cho chiếu phim tư liệu, thời sự. Tầng I cũng là nơi đặt Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam đầu tư. Đây là nơi để công chúng đến tìm hiểu, khai thác các giá trị văn hoá phi vật thể các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và văn hóa các dân tộc trên cả nước nói chung.
Góc trưng bày về trình diễn Chiêng Tha của dân tộc B'râu, Bảo tàng Kon Tum
Bảo tàng Kon Tum là nơi lưu giữ nhiều sưu tập hiện vật độc đáo, trong đó có những sưu tập được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá khá cao như sưu tập hiện vật khảo cổ học Lung Leng, sưu tập ghè, gùi, sưu tập cồng chiêng,…cùng với các sưu tập về hình ảnh, hiện vật cách mạng kháng chiến giúp công chúng, khách tham quan trong và ngoài tỉnh hiểu rõ hơn về bề dày văn hoá – lịch sử; Mảnh đất – Con người Kon Tum cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Góc trưng bày về trang phục dân tộc Giẻ - Triêng, Bảo tàng Kon Tum
Hệ thống kho bảo quản:
Hệ thống kho bảo quản của Bảo tàng Kon Tum hiện đang lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu. Trong đó, có những hiện vật và sưu tập quý hiếm như: sưu tập hiện vật khảo cổ học; Các sưu tập hiện vật dân tộc học: ghè, gùi, chiêng, trang phục, trang sức,… các sưu tập ảnh tư liệu, hiện vật cách mạng kháng chiến qua các giai đoạn lịch sử.
Hiện vật tại kho bảo quản của Bảo tàng Kon Tum sắp xếp khá khoa học, được bảo quản tại các kho theo chất liệu ( đá, kim loại, vải đồ mộc, đồ gốm, các mẫu vật tự nhiên,...) hoặc được bảo quản theo giai đoạn lịch sử, theo sưu tập. Hệ thống trang thiết bị bảo quản tương đối hiện đại, đáp ứng được các quy định chung của kho lưu giữ hiện vật bảo tàng. Các thiết bị máy móc đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm cho môi trường kho bảo quản, phù hợp với chất liệu hiện vật. Nhìn chung hệ thống kho của bảo tàng đã tuân thủ các nguyên tắc cũng như phương pháp bảo quản, hạn chế tối đa quá trình hư hỏng tự nhiên của hiện vật do thiên nhiên hoặc do tác động của con người.
Ngoài việc lưu giữ bảo quản và phục vụ công tác trưng bày của Bảo tàng, công tác kho của Bảo tàng Kon Tum còn phục vụ đắc lực cho các đối tượng có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu, các nhà khoa học, nghiên cứu.
Bảo tàng Kon Tum có được kết quả hôm nay là tổng hợp trong việc phát huy hiệu quả sức mạnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng với đó là sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh nhà, sự chỉ đạo kịp thời của ngành, sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, các Bảo tàng bạn và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động trong đơn vị đã không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn vì sự nghiệp phát triển nền văn hóa của tỉnh nhà.
Đỗ Thị Thanh Thủy