Di tích lịch sử Ngục Kon Tum là di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận tại Quyết định số 1288/QĐ-VHTT, ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nằm trên đường Trương Quang Trọng, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum về hướng Tây Nam của tỉnh.
Ngục Kon Tum hay Nhà đày Kon Tum có nhiều tên gọi khác nhau: Lao kẽm, Lao sắt, Lao mới hoặc Lao cầu mới thường gọi là Lao ngoài, còn Lao cũ trong thị xã (nhà Lao tỉnh Kon Tum, Prison de Kon Tum) thì gọi là Lao trong.
Thực dân Pháp bắt tay xây dựng Ngục Kon Tum (Lao trong) từ năm 1905 đến cuối năm 1917 mới hoàn thành. Ngục Kon Tum xây bên cạnh một rãnh nước lớn (nay là khu thương phế binh). Chúng đặt Ngục Kon Tum vào thế bị bao vây cô lập. Để dễ bề kiểm soát chúng đào một rãnh sâu dài 150m, rộng 100m, thiết kế tại đó bốn dãy nhà theo hình hộp (vuông) diện tích khoảng 2,5ha, bốn góc ngục có 4 lô cốt xây nổi lên, đêm ngày canh phòng cẩn mật. Nhà lao xây theo kiểu pháo đài Vauban (Vô-băng) xưa của Pháp thuộc thế kỷ 17. Mái lợp ngói, vách bằng tocsi quét vôi, bốn bề không có tường bao quanh che kín như các nhà lao khác, bốn nhà dọc ngang xây liền lại với nhau thành một hình vuông, mỗi bề 18m thì có một cửa ra vào và hai chòi cao để lính gác có thể quan sát trong và ngoài lao; ở giữa là một cái sân vuông nhỏ hẹp, bề rộng của một dãy là 3,5m trong đó để 2m lát ván nằm, 1,5m là đường đi, người nằm trên sàn ván nhìn thấy ngoài sân.
Đến tháng Chạp năm 1930 tại Ngục Kon Tum có tới 297 tù phạm. Trong số 297 người đó trừ 2 chị phụ nữ, còn lại 295 người chỉ trong thời gian 6 tháng, từ tháng Chạp năm 1930 đến tháng 6 năm 1931 làm đoạn đường từ Đăk Sút, Đăk Pao, Đăk Tao đến Đăk Pét, trải qua biết bao thảm khốc, cực khổ. Trong số 295 người đi có 170 người phải bỏ xác ở chốn rừng xanh núi đỏ. Như vậy, nói đến di tích căm thù không chỉ nói Ngục Kon Tum mà là một quần thể di tích dọc theo con đường 14 từ Đăk Sút, Đăk Pao đến Đăk Tao, Đăk Pét.
Song tiêu biểu nhất ở đây vẫn là Ngục Kon Tum. Tại đây thực dân pháp đã thi hành những chính sách cực kỳ dã man, tàn bạo đối với tù chính trị. Nhắc đến những cách bạc đãi phạm nhân rất dã man của bọn thừa hành, chúng ta không thể tưởng tượng và hình dung nổi. Bởi vì, những sự việc ấy nằm ngoài sự tưởng tượng của con người.
Cũng tại Ngục Kon Tum chứng minh cho chúng ta một điều, sự xảo quyệt độc ác và súng đạn của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí sắt đá kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. Dù hoạt động ở trong bất kỳ môi trường nào, khí tiết cách mạng của những người cộng sản vẫn được giữ vững. Cụ thể là qua cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12 tháng 12 năm 1931 và cuộc đấu tranh tuyệt thực diễn ra từ ngày 12 tháng 12 đến ngày 16 tháng 12 nắm 1931. Bọn cầm quyền ở đây bất lực trước sức mạnh đoàn kết và tinh thần cách mạng của anh em tù. Chúng trở nên hung dữ, nã súng vào đám người tay không, chỉ mấy phút dồng hồ mà chúng làm cho 8 người chết và 8 ngtười bị thương trong ngày 12 tháng 12 tháng 1931 và cách 4 ngày sau (ngày 16 tháng 12 năm 1931) lại thêm 7 người chết và 7 người bị thương.
Cuộc đấu tranh anh dũng ở Ngục Kon Tum nổ ra là một sự kiện rất tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Ngoài ra, nó còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn nữa là bảo vệ được uy tín và thanh danh của Đảng, phát huy ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng nhân dân, trước hết là trong binh lính các dân tộc ở Kon Tum, họ là những người trực tiếp thấy được những hành động dã man giết người của địch trước lúc cuộc đấu tranh nổ ra và thấy được những nhượng bộ của địch sau đấu tranh, riêng những đồng chí trong chi bộ binh lại càng tin tưởng hơn vào Đảng, vào tiền đồ cách mạng.
Sự hy sinh của các chiến sỹ cộng sản làm cho lòng căm thù giặc càng dâng lên cao độ. Nó còn có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến sự giác ngộ cho quần chúng nhân dân và tạo ra cơ sở cho việc hình thành chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum. Chính xương máu của các chiến sỹ cộng sản đã góp phần vun trồng cho cây xanh cách mạng Việt Nam đời đời xanh tươi, đó là bó đuốc soi đường cho lớp lớp thế hệ ngày nay và mai sau tiếp bước. Các chiến sỹ cộng sản đã làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng ta, của dân tộc ta. Nhắc đến Ngục Kon Tum là nhắc đến một trang lịch sử đẫm máu trong cuốn lịch sử chính trị Đông Dương./.
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch