banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG KON TUM
28-12-2020

Không chỉ người dân ở Tây Nguyên mà cả Việt Nam và những người yêu văn hóa rừng rất tự hào về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chủ nhân của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là cư dân các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme (ngữ hệ Nam Á): Ba Na, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Rơ Măm, Mnông, Cơ Ho, Mạ, B’râu; các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo Polinêdi (ngữ hệ Nam Đảo) như: Ê Đê, Gia Rai, Chu Ru.

 Với cư dân các dân tộc thiểu số ở đây, cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng xuất hiện thường xuyên, gắn bó với từng cá thể, từng gia đình, từng cộng đồng. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, các sự kiện trong vòng đời con người luôn gắn liền với các lễ thức, hội làng và cồng chiêng luôn luôn là yếu tố không thể thiếu vắng “tiếng chiêng ngân dài theo suốt cuộc đời con người”.  

Cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng của cư dân Tây Nguyên có từ lâu đời, thông qua tiếng chiêng, các dân tộc ở Tây Nguyên gửi gắm tâm hồn, ước nguyện của mình với các đấng thần linh, tổ tiên, cũng như bày tỏ các mong muốn, khát vọng của mình với mùa màng, sức khoẻ, hạnh phúc của con người, nên cồng chiêng đã trở thành “vật thiêng”. Mặc dù không tự đúc cồng chiêng, phải mua hoặc trao đổi từ nơi khác về, rồi toi, gò sửa, chỉnh âm (người Ba Na gọi là: Book Tul Chông) và làm lễ hiến sinh để mời thần chiêng về trú ngụ trong chiêng và, chỉ sau đó, chiêng mới thực sự là vật thiêng của con người, mỗi cái cồng, chiêng đều có một vị thần trú ngụ, chiêng cồng càng lâu đời bao nhiêu thì sức mạnh của vị thần trong nó càng lớn bấy nhiêu.

Bên cạnh yếu tố tín ngưỡng, cồng chiêng còn là biểu tượng của uy tín và quyền lực, người sở hữu nhiều cồng chiêng không chỉ là người giàu của cải, mà hơn thế nữa, còn là người có sức mạnh linh thiêng lớn hơn người khác vì có nhiều thần linh bảo hộ.

Với giá trị và tầm quan trong ấy, trong 05 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020“ trên địa bàn tỉnh và những cam kết của Việt Nam với UNESCO về “Phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Văn hóa cồng chiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

* Những nỗ lực và kết quả

Trong 05 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng; phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động bảo tồn khôn gian văn hóa cồng chiêng.

Đã tổ chức 103 lớp truyền dạy cồng chiêng, trong đó có  04 lớp về kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng và hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang do các nghệ nhân tổ chức trao truyền trong làng, trong trường học và có 48/ 74 nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực diễn tấu cồng chiêng, xoang và chỉnh âm cồng chiêng được Chủ tịch nước vinh danh, phong tặng.

Tính riêng từ năm 2017 đến nay, ngành đã tập trung thống kê cồng chiêng, sưu tầm, ghi chép các bài chiêng cổ, phục dựng lễ hội, đã tổ chức ký âm 145 bài cồng chiêng, lập hồ sơ 2.134 bộ cồng chiêng, trong đó có 40 bộ do tỉnh hỗ trợ; phục dựng 15 lễ hội truyền thống.

Dấu ấn đậm nét nhất là ý thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, toàn tỉnh có 534 đội nghệ nhân cồng chiêng- xoang/ 506 làng đồng bào các dân tộc thiểu số và có 02 Câu lạc bộ văn hóa dân gian của dân tộc Ba Na và Xơ Đăng, mô hình đang hoạt động hiệu quả, tích cực trong công tác truyền dạy, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.  

Những kiến nghị từ thực tiễn

Để đánh giá, nhìn lại và đề ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum một cách bền vững, ngày 23/11/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020” và đã gặt hái nhiều ý kiến thiết thực từ cơ sở, đề xuất giải pháp từ các sở, ban ngành và mong muốn của các nghệ nhân là tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, không gian, các thiết chế truyền thống của làng, nhà rông truyền thống, hỗ trợ cồng chiêng tập thể; tái hiện, phục dựng một số lễ hội, nghi thức truyền thống đã bị mai một.

Một số ý kiến đề nghị, khi xây dựng nhà rông, cần bảo lưu những giá trị nguyên thể truyền thống, đặc biệt là nét trang trí, các vật dụng, trống thiêng... và tổ chức lễ mừng nhà rông mới, không tổ chức lễ khánh thành.

Trong truyền dạy đánh cồng chiêng, ngoài truyền dạy về kỹ thuật đánh, phương pháp diễn xướng, bài bản của từng điệu chiêng, cần giáo dục cho lớp trẻ ý thức gìn giữ cồng chiêng, chú trọng phương pháp truyền dạy truyền thống thông qua diễn xướng trong lễ hội để lớp trẻ vừa được diễn xướng, vừa học hỏi được kinh nghiệm từ các nghệ nhân lớn tuổi. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng, để các nghệ nhân có thể chỉnh sửa những bộ cồng chiêng đang bị sai lệch âm trong quá trình sử dụng.

Cần có phương án hỗ trợ, khuyến khích người dân gìn giữ, tổ chức một lễ hội tiêu biểu tại cộng đồng làng, gắn kết với môi trường diễn xướng của cồng chiêng. Đồng thời đưa việc giáo dục di sản văn hóa cồng chiêng vào trong trường học một cách phù hợp; khôi phục mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian tại nhà rông. 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của đại biểu dự Hội nghi, làm cơ sở để xây dựng đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum trong giai đoạn tiếp theo một cách có hiệu quả và thiết thực nhất.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, di sản văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong đó có di sản văn hóa cồng chiêng đang đứng trước những biến đổi to lớn bởi tác động của sự phát triển xã hội hiện nay. Cho nên, phải có cái nhìn sâu sắc hơn nữa về Không gian văn hóa Cồng chiêng từ phía các nhà quản lý kinh tế, xã hội và văn hóa các cấp, để có những định hướng đúng đắn, những cách làm, bước đi phù hợp và thiết thực cho mục tiêu bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng.

Cần xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án bảo tồn các giá trị văn hóa làng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, mục tiêu là giữ gìn cấu trúc không gian làng truyền thống, sẽ lưu giữ một cách bền vững không gian văn hóa cồng chiêng, nét văn hóa gắn bó máu thịt với cộng động các dân tộc trong tỉnh.

Vấn đề mấu chốt là phải làm cho văn hóa cồng chiêng thực sự mang tính cộng đồng, gắn kết với tự nhiên, không gian văn hóa làng, hạn chế tối đa bê tông hóa, trình diễn cồng chiêng và múa xoang sẽ rất đẹp trong môi trường tự nhiên hơn là trên nền gạch, sân bê tông. 

Cùng với ngành, các địa phương cần phải lắng nghe ý kiến của đồng bào xem họ nói như thế nào về cách thức bảo tồn và phát huy. Bởi đồng bào mới là chủ nhân Không gian văn hóa Cồng chiêng, chỉ có chính họ mới bảo tồn sống được văn hóa cồng chiêng và phát huy giá trị của nó trong đời sống và trường tồn với thời gian.  

Nguyễn Văn Bình

 

Số lượt xem:3902
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Tiếng chiêng tuổi nhỏ (17-9-2020)
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2610 Tổng số người truy cập: 529 Số người online:
TNC Phát triển: