banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Để phát huy vai trò của Thư viện trong việc truyền tải thông tin, nâng cao dân trí
11-12-2015

 Tính đến thời điểm hiện nay, vốn tài liệu trong Thư viện tỉnh Kon Tum hiện có 150.900 đầu sách, 150 đầu báo-tạp chí và gần 1.000 tài liệu điện tử (đĩa CD, sách nói kỹ thuật số, file dữ liệu…); lượt bạn đọc đến Thư viện 22.403 lượt/ năm. Đối với Thư viện cấp huyện thì tổng số tài liệu sách là 71.859 đầu sách/ 07 Thư viện huyện, 21 đầu báo-tạp chí/ 07 huyện, 44.160 lượt bạn đọc/năm/07 Thư viện huyện và số lượng tài liệu của Thư viện xã khoảng 45.910 đầu sách/54 TV xã (chỉ mới thống kê và thành lập được 54 TV xã,  phường). Về nhân lực trong hệ thống Thư viện công cộng bao gồm 84 cán bộ (trong đó Thư viện tỉnh 21, TV huyện 09 và TV xã 54 người).

Vai trò mới của TV công cộng là trở thành trung tâm thông tin năng động, là điểm truy cập thông tin bình đẳng, tin cậy cho mọi người. Thư viện còn là nơi thu thập, xử lý, quản trị thông tin cung cấp các điểm truy cập thông tin bình đẳng, tin cậy và là trung tâm học tập cộng đồng cho người dân. Vì vậy, công tác xây dựng hệ thống Thư viện trên địa bàn là đang phát triển và chia sẻ nguồn lực thông tin, truyền bá trí thức, lưu giữ văn hóa của địa phương và của từng dân tộc bản địa. Thư viện công cộng được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như tin học hóa Thư viện, phát triển Thư viện điện tử, sưu tầm, số hóa tài liệu địa chí… nó sẽ tác động tích cực vào việc phổ cập giáo dục, là yếu tố giúp đẩy mạnh cuộc sống tinh thần và nâng cao nhận thức của người dân lên đáng kể, ngoài ra còn cung cấp cho mọi thành phần, đối tượng của cộng đồng dân cư những sản phẩm, dịch vụ thông tin thích hợp để áp dụng vào thực tiễn.

Thư viện khang trang của xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những khó khăn thách thức, rất nhiều các thiết chế thông tin khác cạnh tranh với thư viện trong việc cung cấp các dịch vụ thông tin, người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của thư viện, đầu tư của Nhà nước đối với thư viện còn hạn chế, (bình quân 01 Thư viện tỉnh là 1,5 tỷ đồng/năm, ở Kon Tum chỉ có Thư viện huyện Đắk Hà có kinh phí 100tr/năm, riêng bổ sung sách chỉ khoảng hơn 20 triệu/năm, còn các Thư viện huyện khác, Thư viện cấp xã không có kinh phí hoạt động. Kinh phí để bổ sung tài liệu hàng năm chưa đầy 200 triệu là quá thấp so với một Thư viện cấp tỉnh). Trình độ của đội ngũ cán bộ Thư viện chưa cao, nhất là đội ngũ cán bộ Thư viện cấp xã còn yếu vì không được qua đào tạo nghiệp vụ, việc kiêm nhiệm nhiều, lương lại quá thấp...

Để khắc phục những khó khăn và hiện thực vai trò của hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến người dân đối với nghề thư viện; Bổ sung kinh phí cho Thư viện tỉnh để phát triển tài liệu dạng số, cân đối kinh phí cho hoạt động Thư viện cấp huyện, xã.

Thứ nhì, huy động sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành đối với thư viện; tăng cường đầu tư cho thư viện từ Trung ương, địa phương về cơ sở hạ tầng thư viện, trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hoá, thay đổi phương thức hoạt động của thư viện truyền thống bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp thông tin qua mạng.

Thứ ba, triển khai Thư viện điện tử giúp bạn đọc tìm tin, đọc sách mọi lúc mọi nơi thông qua thiết bị di động. Trong môi trường Web, thư viện trở thành trường học trực tuyến cho mọi người dân, đặc biệt những người không có điều kiện đến trường. Số hóa tài liệu quý hiếm, phát triển vốn tài liệu địa chí là nhiệm vụ hàng đầu tại Thư viện tỉnh.

Thứ tư, cán bộ Thư viện chủ động học tập nâng cao trình độ, nhất là kiến thức về CNTT, có trách nhiệm lưu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa của nhân loại, dân tộc và địa phương, mỗi cá nhân là một tuyên truyền viên, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận được với nguồn lực thông tin ở bên ngoài thư viện thông quan việc ứng dụng CNTT và giúp họ khai thác thông tin, tài liệu trong Thư viện.

Thư viện Sa Sơn, huyện Sa Thầy

Góc thư viện của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi

Có thể nhận thấy và hy vọng rằng trong 5 năm tới (2015-2020), hệ thống TVCC tại tỉnh Kon Tum sẽ trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, thân thiện, bình đẳng, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân ở địa phương. Cho phép người đọc có cơ hội học tập, giúp cho con người mở mang tri thức, trau dồi kỹ năng sống, đặc biệt là trẻ em. Hỗ trợ tích cực cho việc học tập, từ việc học tập trong nhà trường của trẻ em, đến việc tự học để nâng cao trình độ học vấn của mọi cá nhân.

Tin, bài: Thế Phiệt

 

Số lượt xem:2315
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2611 Tổng số người truy cập: 443 Số người online:
TNC Phát triển: