Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa của tộc người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay - thực trạng biến đổi và giải pháp bảo tồn”. |
24-8-2023 |
Ngày 24/08/2023, được sự cho phép của Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng sự tài trợ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup, Đoàn công tác của Viện Dân tộc học đã phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa của tộc người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay - thực trạng biến đổi và giải pháp bảo tồn”. |
CT |
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo và phòng chuyên môn từ các Sở, ban ngành của tỉnh Kon Tum, UBND huyện Ngọc Hồi, UBND xã Bờ Y, các già làng, nghệ nhân người Brâu tại làng Đắk Mế, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo về Dân tộc học/Nhân học và các ngành khoa học xã hội kế cận trong nước cùng toàn thể cán bộ Viện Dân tộc học. Đặc biệt, Hội thảo vinh dự được đón tiếp Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, tỉnh Kon Tum (là người dân tộc Brâu). Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tổng thể và đặc thù nhằm ưu tiên, phát triển vùng DTTS với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng ta đã chỉ rõ: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách quản lý nhà nước về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Brâu là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, một trong 5 tộc người có dân số dưới 1.000 người ở Việt Nam. Theo số liệu khảo sát năm 2023, tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 558 người Brâu. Theo các tài liệu đã công bố, cộng đồng người Brâu ở Đắk Mế có nguồn gốc ở Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, một bộ phận nhỏ người Brâu di cư sang Việt Nam khoảng 160-170 năm (từ 6-7 thế hệ) và sinh sống trong khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Tộc người Brâu có những giá trị văn hóa dân gian phong phú, đặc biệt là hệ thống tín ngưỡng, phong tục lễ hội mang đậm chất tự nhiên và nhân văn, khiến con người không chỉ gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên, mà hòa đồng giữa con người với nhau thành một cộng đồng gắn kết bền chắc. Là dân tộc thiểu số có dân số rất ít, người Brâu làng Đắk Mế được thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn văn hóa của Chính phủ. Tác động của các yếu tố bên ngoài, của các tộc người cận cư và của chính sách dân tộc cũng như của đổi mới hơn ba thập niên qua đã làm thay đổi đời sống mọi mặt nói chung và đời sống văn hóa nói riêng của người Brâu. Sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa của người Brâu với các tộc người tại chỗ như Ca dong, với các tộc người di cư như Kinh, Mường, với người Brâu ở Lào và Campuchia ngày càng mở rộng và trở nên mạnh mẽ. Đặc biệt, cường độ và phạm vi của giao lưu với tộc người đa số đã tạo ra sự choáng ngợp, nhiễu loạn giữa cái mới và cái cũ, cái hiện đại và cái cổ truyền, trong khi cái mới, cái hiện đại ở trình độ phát triển cao hơn, áp lực mạnh mẽ hơn khiến chủ thể văn hóa không có điều kiện và thời gian để lựa chọn, tiếp thu và tái tạo, liên kết hóa. Hệ quả tất yếu là những giá trị truyền thống, cái nội lực bị lấn át, trong khi cái mới thì xô bồ, chưa được lựa chọn, đang thâm nhập vào đời sống văn hóa tộc người, khiến một bộ phận lớn thanh niên Brâu không mặn mà với văn hóa truyền thống. Sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình đổi mới văn hóa ở tộc người Brâu. Đó là sự đan xen giữa cái mới và cái cũ. Một số giá trị văn hóa truyền thống mất đi, cái mới chưa hình thành, tạo nên sự hụt hẫng trong đời sống văn hóa, dẫn đến hệ quả những giá trị văn hóa vật thể của người dân bị suy kiệt, đã và đang bị mai một, mất mát. Xuất hiện xu hướng phục hồi văn hóa truyền thống ở một bộ phận nghệ nhân, già làng. Xu hướng này xuất phát từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các dự án nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người. Bên cạnh đó, một số cá nhân trong cộng đồng Brâu vẫn có đam mê với những giá trị văn hóa truyền thống, tuy nhiên nội lực vật chất còn yếu nên chưa đủ sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng. Nếu coi văn hóa là kết quả của quá trình thích ứng của con người với môi trường tự nhiên vì nhu cầu tồn tại và phát triển của bản thân mỗi cộng đồng, thì căn nguyên của sự suy thoái hay phát triển cũng bắt nguồn từ tự nhiên. Trong mấy thập kỷ qua, ở người Brâu, rừng bị tàn phá, nguồn nước tự nhiên bị suy giảm, đất đai bị thiếu hụt đã trực tiếp ảnh hưởng đến văn hóa, như nhà văn Nguyên Ngọc từng viết: “Đối với các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi, rừng bị mất thì văn hóa cũng sẽ tiêu điều, suy kiệt, bởi vì về bản chất, văn hóa của họ là “văn hóa rừng””. Với chủ đề “Văn hóa của tộc người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay - thực trạng biến đổi và giải pháp bảo tồn”, Ban tổ chức đã xây dựng chương trình Hội thảo gồm 01 phiên làm việc, với 05 tham luận được trình bày: Báo cáo tham luận 1: “Kết quả thực hiện Đề án phát triển kinh tế- xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu giai đoạn 2016 -2020 và những vấn đề đặt ra giai đoạn 2021-2025” do Đ/c Nguyễn Thanh Hưng - Ban Dân tộc trình bày. Báo cáo tham luận 2: “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu trên địa bàn tỉnh Kon Tum” do Đ/c Đậu Ngọc Hoài Thu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Báo cáo tham luận 3: “Giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Brâu ở Kon Tum” do Thầy Đoàn Tuấn Anh và Học sinh Phạm Thị Thùy Trang Trường THCS - THPT Liên Việt Kon Tum trình bày. Báo cáo tham luận 4: “Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của người Brâu ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi do Nàng Len, UBND xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi” trình bày. Báo cáo tham luận 5: “Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về văn hóa truyền thống của người Brâu ở làng Đắk Mế và vấn đề bảo tồn, phát huy hiện nay” do PGS.TS. Bùi Minh Đạo - Thành viên Đoàn công tác Viện Dân tộc học trình bày. Xuyên suốt phiên làm việc, Hội thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu, là diễn đàn thảo luận và trao đổi bổ ích cho các báo cáo viên, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung vào nhận diện những giá trị văn hóa của dân tộc Brâu trong truyền thống và biến đổi hiện nay, đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở tộc người này, từ đó gợi mở một số giải pháp tiếp theo. Trong bối cảnh hiện nay, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Brâu được các báo cáo tập trung vào ba hướng là: (1) Sưu tầm và nghiên cứu; (2) Bảo tồn và phát huy; (3) Truyền dạy và quảng bá. Đặc biệt, đề xuất xây dựng bảo tàng văn hóa Brâu tại chỗ theo mô hình Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng và đề xuất tiếp tục sửa chữa, cập nhật, bổ sung hoàn thiện ấn phẩm số 4.0 Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum được Hội thảo đánh giá khả thi và gợi mở nhiều hướng đi tích cực trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của tộc người Brâu hiện nay. Qua đây, giúp các nhà hoạch định chính sách nhận thức được chiến lược, giá trị, nguồn lực của cộng đồng và người dân địa phương, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra về bảo tồn văn hóa người Brâu. Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tám - Trưởng ban tổ chức Hội thảo đã gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Dân tộc học, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup và các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đơn vị tỉnh Kon Tum đã ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành cùng Đoàn công tác Viện Dân tộc học trong suốt quá trình tổ chức Hội thảo. TS. Nguyễn Thị Tám mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học về chủ đề “Văn hóa của tộc người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay - thực trạng biến đổi và giải pháp bảo tồn” để có thể hoàn thiện những ý tưởng nghiên cứu phù hợp và có ý nghĩa trong tương lai. |
ĐNHT |
Số lượt xem:1742 |