Phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 |
5-4-2022 |
Thực hiện Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống đến năm 2030, ngày 28 tháng 03 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch só 853/KH-UBND. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. |
I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. 2. Mục tiêu cụ thể a) Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt 95% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. b) Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. c) Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. d) 100% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở. đ) Phấn đấu hằng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. e) Phấn đấu hằng năm 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình a) Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác gia đình; chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích cộng đồng, xã hội. b) Đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa hình thức truyền thông. Tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đạo đức, lối sống về phát triển gia đình. Nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống và các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết. c) Thống nhất nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong việc giáo dục đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, tổ trưởng tổ dân phố trong việc tuyên truyền, phổ biến truyền cảm hứng cho các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến gia đình. d) Phát triển mạng lưới cộng tác viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình. 2. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình a) Rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình, tài liệu, các sản phẩm truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. b) Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp trong tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình. c) Xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan về thực hiện công tác gia đình. 3. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình a) Phát huy hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. b) Củng cố vai trò của hệ thống nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã và các thiết chế công trình văn hóa, lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ. c) Xây dựng các trang tin trên hệ thống thông tin cơ sở về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho mọi thanh niên trong cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh. d) Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết từ cơ sở. 4. Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống a) Vai trò của gia đình: Phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình trong việc tuyên truyền về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. b) Vai trò của nhà trường - Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các trường học. - Tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh, sinh viên. - Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, xây dựng môi trường ứng xử văn hóa, biểu dương kịp thời các điển hình những tấm gương tốt đẹp về ứng xử văn hóa trong trường học. c) Chính quyền địa phương các cấp tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về giá trị của gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình để phát triển con người toàn diện từ gia đình, nhất là với thế hệ trẻ. 5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình a) Khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. b) Ứng dụng phần mềm, công cụ trên không gian mạng để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, xung đột, bạo lực trong gia đình. 6. Tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. 7. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. |
TBT |
Số lượt xem:2623 |