ĐỂ THUYỀN ĐỘC MỘC TRỞ THÀNH SẢN PHẦM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG |
11-11-2021 |
Thuyền độc mộc là một giá trị văn hóa truyền thống, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ bao đời nay. Sự mộc mạc, gần gũi, đậm chất hoang sơ làm cho loại hình phương tiện di chuyển trên sông này trở nên vô cùng độc đáo. |
CT |
Làng Lung Leng thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy là một địa danh gắn với tên gọi Di chỉ khảo cổ học nổi tiếng của cả nước. Nơi đây còn được biết đến bởi những nghệ nhân chế tác và điều khiển thuyền độc mộc điêu luyện như những vũ công. Bằng chứng qua các giải đua thuyền truyền thống vào dịp đầu năm của tỉnh, đội đua huyện Sa Thầy với nòng cốt là các vận động viên làng Lung Leng luôn vững vàng ở vị trí cao nhất.
Ngoài Lung Leng, Sa Thầy còn có 17 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven các hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông. Mặc dù ngày nay, các phương tiện di chuyển trên mặt nước đã hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng người dân nơi đây vẫn lưu luyến, gắn bó với con thuyền độc mộc, phục vụ cho việc di chuyển và thả lưới, giăng câu ven hồ. Theo thống kê của ngành văn hóa huyện, tại các thôn, làng hiện còn khoảng 64 chiếc thuyền độc mộc, trong đó Lung Leng chiếm đa số. Đua thuyền độc mộc đầu Xuân 2019 tại sông Pô-cô, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy
Bên cạnh đó, với diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện rộng lớn. Đặc biệt vào mùa nước dâng, dòng Pô-cô như dải lụa khổng lồ mềm mại, dọc hai bên bờ là những bãi ngô, cây ăn quả và các triền cây công nghiệp như cao su, cà phê xanh tốt. Cảm giác bồng bềnh, êm đềm pha chút phiêu lưu, mạo hiểm trên mặt nước, sẽ là một trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời cho du khách.
Xác định đây là một giá trị văn hóa truyền thống, có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, cần phải bảo tồn, phát huy. Vì vậy trong Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Sa Thầy về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025”, một trong những giải pháp trọng tâm được đề ra là tổ chức Ngày hội đua thuyền độc mộc mùa Xuân hằng năm tại xã Sa Bình. Sau khi Nghị quyết ban hành, liên tục trong các năm từ 2017 đến 2019, Ngày hội đua thuyền độc mộc mùa Xuân được tổ chức trên sông Pô-cô tại xã Sa Bình, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia; trong đó có những du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn,... Cũng trong giai đoạn này, huyện đã hỗ trợ làng Lung Leng làm một số thuyền độc mộc mới. Các năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động này phải tạm thời dừng triển khai. Việc tổ chức Ngày hội đua thuyền độc mộc mùa Xuân đã tạo không khí sôi nổi, hào hứng. Hướng người dân trên địa bàn tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và từng bước thu hút khách du lịch đến địa phương. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích cộng đồng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thuyền độc mộc. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa nói chung và thuyền độc mộc nói riêng để góp phần phát triển kinh tế du lịch; đặc biệt là tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận người dân vùng ven hồ chưa đạt hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân là do hoạt động này mới dừng ở mức độ trình diễn, giới thiệu về bản sắc văn hóa là chủ yếu. Giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng này vẫn đang là vấn đề trăn trở của Sa Thầy. Từ thực trạng trên, thiết nghĩ việc xây dựng sản phẩm đặc trưng “Trải nghiệm thuyền độc mộc” của Sa Thầy cần những giải pháp khả thi hơn. Chuyển dần từ mục đích giới thiệu, phục vụ sang khai thác dịch vụ. Theo đó khi tổ chức Ngày hội đua thuyền độc mộc mùa Xuân hằng năm, cần chú trọng đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động cho phong phú hơn, nhưng phải giữ được yếu tố truyền thống. Ngoài nội dung chính là hoạt động đua giữa các đội, nên lồng ghép dịch vụ “Trải nghiệm thuyền độc mộc” vào trước, trong và sau Ngày hội để khai thác. Việc thành lập các “Tổ dịch vụ” ở thôn, làng là rất quan trọng. Nội dung này thuộc thẩm quyền của các xã. Sớm hình thành nhóm những hộ có thuyền, có người chèo thuyền và phân công người đại diện. Thông tin về địa chỉ của Tổ, số điện thoại liên hệ, lịch trình các tuor nội bộ, giá cả minh bạch, sẵn sàng phục vụ khi du khách có nhu cầu. Như vậy, không ảnh hưởng đến việc lao động, sản xuất bình thường của các thành viên trong Tổ. Chỉ khi có “đơn đặt hàng”, đại diện Tổ huy động số lượng thuyền phù hợp hoạt động dịch vụ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành du lịch cộng đồng tại các thôn, làng. Trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản như giao tiếp, thái độ phục vụ, sự thân thiện, mến khách,...cho các thành viên tham gia. Giải pháp về công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá,...cần phải tăng cường, nhất là vào dịp tổ chức các sự kiện liên quan trên địa bàn huyện. Thực tế khi xây dựng tuor, tuyến, nhiều công ty, doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch không có thông tin về loại hình dịch vụ này để lựa chọn. Vì vậy chủ động cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí, sớm biên soạn và phát hành tờ gấp, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh, kiến nghị bổ sung vào Cẩm nang du lịch Kon Tum, số hóa sản phẩm trải nghiệm thuyền độc mộc,...là vấn đề mang yếu tố chiến lược, góp phần đặc biệt quan trọng để phát huy hiệu quả của sản phẩm du lịch đặc trưng này. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng đắn. Nhưng phải xây dựng thành các sản phẩm cụ thể, tạo lợi thế từ sự độc đáo, đặc trưng của mỗi địa phương. |
TRẦN VĂN TIÊN |
Số lượt xem:3393 |