banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG Ở KON TUM
17-9-2020

Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (ngày 25/11/2005), không chỉ đem đến niềm tự hào cho riêng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, mà còn làm nức lòng rất đông những người yêu mến văn hoá dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh KonTum nói riêng và cũng như thêm yêu vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam.

 Thuở xa xưa, cồng chiêng là phương tiện giao lưu với các thần linh, là phương thức thông tin với cộng đồng gần xa về những việc vui, buồn diễn ra trong một cộng đồng làng, một gia đình. Gắn liền với nông lịch và vòng đời, cồng chiêng luôn luôn hiện diện và song hành cùng con người ngay từ lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên.

        Cồng  chiêng không chỉ là tiếng nói tâm linh, là sự phản ảnh của mỗi tâm hồn của mỗi dân tộc, mà còn có một “đời sống” phong phú, bởi trong “nó” một không gian văn hoá tổng hợp, bao gồm cả nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, văn chương truyền miệng, nghệ thuật ẩm thực lẫn các trò chơi dân gian... vừa riêng biệt trong cộng động của mình, vừa độc đáo so với các nền văn minh khác.

Cồng chiêng đã gắn bó với cuộc sống của người dân Tây Nguyên nói chung, các dân tộc ở KonTum nói riêng từ ngàn đời nay, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi hết sức lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân, cùng với những biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội mà cư dân Tây Nguyên sinh sống; sự thay đổi trong phương thức canh tác; sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và thiên nhiên Tây Nguyên; sự bùng nổ công nghệ thông tin, v.v. Những sự biến đổi ấy dẫn đến sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng.

 Tuy nhiên, cuộc sống mới cũng đồng thời làm xuất hiện không gian diễn xướng khác, đó là trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng, hay các dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Cồng chiêng thoát khỏi vòng cương toả của tín ngưỡng, trở thành một trong những loại nhạc cụ phổ biến, để cùng với nhiều hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống khác có thêm đời sống mới ngoài cộng đồng.

Trong những năm qua, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành VHTT&DL xây dựng các Đề án Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh KonTum, Đề án Bảo tồn, phát huy lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh KonTum…. Và thường niên tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa cồng chiêng…., nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hoá của chính đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ . Nhờ những chủ trương đúng đắn này, mà phần nào đồng bào đã ý thức được việc gìn giữ những giá trị đích thực, vốn có của chính mình. Là một tỉnh được thành lập lại từ năm 1991, còn khó khăn về mọi mặt nhưng tỉnh KonTum đã có một chương trình hành động hết sức cụ thể để triển khai việc bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Đã khôi phục được 32 lễ hội của các dân tộc tại chỗ; tổ chức được trên 114 lớp  truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy Hơ mon (Sử thi), nghề thủ công truyền thống, cách chế tác và trình diễn một số nhạc cụ dân gian truyền thống... của các dân tộc tại chỗ. Đặc biệt, ở nhiều làng, các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng đã tự nguyện truyền dạy lại cho thế hệ thanh thiếu niên nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc. Tiêu biểu như các Nghệ nhân ưu tú: A Vẻ (tộc người Giẻ - Triêng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi),  A Thút ( tộc người BaNa, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), A Thu (tộc người Xơ Đăng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), A Biu ( tộc người BaNa, xã Ngọc Bay, TP KonTum)… Đã tổ chức tổng kiểm kê khoa học được 260 di sản văn hóa dân tộc tại chỗ như: tri thức dân gian, ngành nghề truyền thống, cồng chiêng, lễ hội dân gian các dân tộc tại chỗ.... và xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị về các loại hình di sản văn hóa dân gian, trong đó có 03 cuốn sách ảnh về Di sản văn hoá cồng chiêng các dân tộc ở huyện Sa thầy, huyện Đăk Hà, TP KonTum làm tài liệu hỗ trợ cho việc nghiên cứu; đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm diễn tấu cồng chiêng của thế hệ đi trước. Tại nhiều địa phương, văn hóa cồng chiêng đang được phục hồi, tiêu biểu nhất là các làng: làng Hơ Moon, xã Hơ Moon, huyện Sa Thầy; làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; làng Đăk Long, xã Đak Hring và làng Kon K'lôc, xã Đăk Mar thuộc huyện Đăk Hà; làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô; làng Kon B'rap Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; làng Plei tơ nghia, làng KonTum K'pơng thuộc TP KonTum…Tính đến nay, tỉnh KonTum có 74 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú".

Để có được kết quả như trên, ngành VHTT&DL tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, bước đầu là để thử nghiệm, vừa làm vừa học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm, sau đó lựa chọn được những phương án tốt nhất, khả thi và đạt hiệu quả cao nhất để thực hiện, cụ thể là: Ngoài việc tổ chức khôi phục các lễ hội, tạo môi trường diễn xướng và thể hiện của các loại hình nghệ thuật dân gian, Sở VHTTDL KonTum đã chú trọng tới nhiều hoạt động khác như: Đưa cồng chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh KonTum, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh KonTum, hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc… Đặc biệt nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc, những năm gần đây, các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã được giới thiệu khá rộng rãi ở các liên hoan nghệ thuật trong nước do Các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức và tham gia trình diễn giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian các dân tộc tại một số nước như: Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaixia…  được bạn bè trong và ngoài nước ngưỡng mộ và đánh giá cao, đặc biệt là Nghệ thuật cồng chiêng, xoang.

Theo tư liệu từ Phòng VHTT các huyện, thành phố báo cáo (số liệu tương đối) cho thấy Kon Tum hiện lưu giữ trên 1800 bộ cồng chiêng các loại. Cồng  chiêng hội tụ đủ 3 dòng văn hóa: Vật chất ( giá trị của cải, tài sản), tâm linh (vật thiêng) và tinh thần (nhạc cụ tiêu biểu của nghệ thuật trình diễn dân gian).

Chỉ với hai thành phần cồng chiêng tiêu biểu ở KonTum là: Dàn cồng chiêng của tộc người Xơ Đăng Xteng (thuộc nhóm Xơ Đăng gốc) và Dàn chiêng Tha của tộc người B'râu, tỉnh Kon Tum đã đóng góp xuất sắc vào hồ sơ khoa học để Nhà nước ta trình lên UNESCO công nhận một Di sản văn hoá quý báu của nhân loại.

Cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bên cạnh niềm tự hào là một trách nhiệm hết sức nặng nề và to lớn đặt lên vai chúng ta: Trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa cho dân tộc và cho nhân loại, điều mà lâu nay nhiều người chưa thấy hết. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ đây đặt ra những vấn đề to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nó.

Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau: 

Tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin, các hình thức quảng bá để các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy về giá trị văn hoá của cồng chiêng.

Biên soạn và biên tập những tài liệu đã được công bố từ trước đến nay liên quan tới cồng chiêng để in thành sách phổ biến tuyên truyền rộng rãi; nghiên cứu, sưu tầm và sử dụng những bài cồng chiêng tiêu biểu của các dân tộc để làm nhạc hiệu của Đài PT-TH tỉnh; các cơ quan báo chí (báo viết) ưu tiên phổ biến những tin, bài, hình ảnh liên quan tới giá trị văn hoá cồng chiêng. Hệ thống nhà bảo tàng, truyền thống, trưng bày phải có hiện vật là cồng chiêng của đồng bào các dân tộc.

Hình thành được đội ngũ những người am hiểu, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn về cồng chiêng tham gia nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản cồng chiêng.

Điều tra, khảo sát, thống kê tài sản cồng chiêng của cả tỉnh. Xử lý thành hai hệ thống thuộc địa bàn hành chính và thuộc thành phần dân tộc; tổ chức toạ đàm, trao đổi về các giá trị và nhiệm vụ bảo vệ, phát triển, phát huy của cồng chiêng ở cấp huyện, thành phố; lựa chọn để xây dựng Đề tài, thực hiện một số phim tài liệu, tài liệu nghệ thuật giới thiệu những giá trị đặc sắc nhất về cồng chiêng của các dân tộc trong tỉnh dưới dạng VCD/ DVD để phổ biến và giao lưu văn hoá.

Tổ chức sưu tầm, ghi âm, ký âm, xuất bản những bản cồng chiêng nguyên gốc của những bộ cồng chiêng cổ truyền thuộc các nhóm dân tộc tại chỗ. Đây cũng là hình thức lưu trữ dữ liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu trực tiếp; biên soạn giáo trình về cồng chiêng, có thể kết hợp với việc giới thiệu hệ thống nhạc khí tiêu biểu để giảng dạy ngoại khoá trong hệ thống trường dân tộc nội trú. Hằng năm, các cấp chính quyền cần hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho các thế hệ thanh, thiếu niên là người dân tộc tại chỗ; đồng thời rà soát, trang bị bộ cồng chiêng cho các làng hiện nay chưa có bộ cồng chiêng của tập thể làng để sinh hoạt cộng đồng.

Gắn với các hoạt động lễ hội, lễ hội dân gian có cồng chiêng tham gia, yêu cầu khôi phục nguyên gốc của bài bản âm nhạc truyền thống, khôi phục môi trường trình diễn tổng thể nguyên hợp, là thực thể Phôn-Clo sống. Tổ chức hình thức liên hoan, hội thi diễn tấu cồng chiêng kết hợp với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác như hát dân ca, nhạc cụ dân tộc, trang phục… ở các quy mô (xã, huyện, tỉnh). Phát hiện, giới thiệu và tổ chức cho các nghệ nhân có biệt tài và chỉnh sửa cồng chiêng thao tác, trình diễn. Trên cơ sở đó, cần động viên, biểu dương bằng các hình thức tôn vinh khen thưởng. Tại các trường dân tộc nội trú công lập ít nhất phải có một đội cồng chiêng trình diễn thành thạo một số bài, bản, tiết mục thuộc vốn văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc tiêu biểu cho địa phương mình. Phát huy việc khai thác các chất liệu nghệ thuật từ cồng chiêng vào sự nghiệp sáng tác của văn nghệ sỹ ( Hội văn học nghệ thuật của tỉnh ). Hình thành và đưa nghệ thuật cồng chiêng trở thành yếu tố cơ bản của văn hoá du lịch. Hết sức tránh việc thương mại hoá, sơ lược, hời hợt trong ứng xử đối với các giá trị của Di sản cồng chiêng.

 

KonTum là tỉnh còn nhiều khó khăn, hàng năm Nhà nước phải hỗ trợ chi ngân sách, do đó, để thực hiện được các mục tiêu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, rất mong các cấp, các Bộ ngành Trung ương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí, chuyên môn nghiệp vụ giúp tỉnh Kon Tum trong việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có Di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc ở tỉnh Kon Tum.

Với những giải pháp thiết thực trên, chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới các Đề án, Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có Di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số ở tỉnh KonTum nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho việc khôi phục và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, để những giá trị văn hóa tinh thần quý báu ấy mãi mãi sống động trong cộng đồng làng và xứng đáng với vị thế được UNESCO tôn vinh.

                                                                                                        Phan Văn Hoàng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Số lượt xem:8385
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2610 Tổng số người truy cập: 2751 Số người online:
TNC Phát triển: