banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Ấn tượng Kon Tum
28-2-2019
   Đó là lời nhận xét, đánh giá chân thành của nhiều người dân, bạn bè, du khách trong nước và nước ngoài đến phố núi Kon Tum tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và hòa mình cùng với “dòng chảy” các hoạt hoạt động trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018.

   Đã khá lâu, người dân trong tỉnh và bạn bè, du khách trong nước lẫn nước ngoài mới được sống trong một không gian văn hóa đậm sắc màu như vậy. Từ trung tâm thành phố Kon Tum, cùng một thời điểm, bằng nhiều phương tiên đi lại, du khách có thể ung dung bước chân đến Nhà Rông Kon Klor (phường Thắng Lợi) để chiêm ngưỡng nét tài hoa của các nghệ nhân tạc tượng gỗ. Hoặc ghé đến Bảo tàng tỉnh Kon Tum (phường Quyết Thắng) để tận mắt chứng kiến hình ảnh nhà sàn, máng nước, đàn t'rưng nước, rẫy lúa. Đặc biệt là những kho lúa, chòi giữ rẫy được làm bằng các nguyên vật liệu tự nhiên như tranh, tre, nứa, lồ ô rất công phu, tỉ mỉ; những người phụ nữ thoăn thoắt trên khung dệt thủ công; những bàn tay khéo léo tạo nên các đò dùng bằng gốm hay những vật dụng làm bằng tre nứa; và bản thân cho phép mình tự trải nghiệm các trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Kon Tum được tái hiện tại đây. 


Nghệ nhân biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Huy Đằng

   Nhiều bạn bè trong nước và du khách nước ngoài rất ngỡ ngàng, tỏ ra thích thú và ấn tượng với không gian văn hóa đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum. “Thật ấn tượng khi đến với Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum. Không ai nghĩ ngay tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Kon Tum lại có cả một khoản ruộng lúa nước xanh mơn mởn, chòi rẫy, kho lúa, các hình nộm để đuổi chim, máng nước, đàn t'rưng, nước suối chảy rỉ rách…, mang đến cho người xem cảm nhận được không gian làng gắn với núi rừng đại ngàn hiện hữu rất chân thật và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum” - anh Arden Bryan, một du khách người Anh chia sẻ.
   Di sản văn hóa Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung không chỉ có tiếng cồng, tiếng chiêng, những vũ điệu xoang uyển chuyển; những món ăn, thức uống đậm đà bản sắc dân tộc mà còn có nhiều thứ khác cuốn hút du khách không kém như nghệ thuật chế tác tượng gỗ, chế tác nhạc cụ âm nhạc, trang phục truyền thống, những bài hát sử thi, hát giao duyên trong những ngày hội làng…Đi một vòng thưởng thức các món ăn, thức uống trong buổi tiệc chiêu đãi của lãnh đạo tỉnh Kon Tum tại Nhà hàng Pơ Lang chiều 14/12, ông Lee Han Su - Giám đốc Công ty TNHH Nhựa thông SJ (Hàn Quốc) nhận xét: “Ẩm thực Kon Tum thật là tuyệt vời. Những món ăn vừa dân dã, vừa truyền thống, vừa hiện đại như cá suối ủ chua nướng, cá tiến vua của huyện Ia Hdrai; rượu ghè nếp cẩm của huyện Đắk Hà; gà rừng tần hồng đẳng sâm của huyện Tu Mơ Rông; gỏi kiến vàng hay món gỏi lá với vị chua cay (quán Út Cưng) của thành phố  Kon Tum... thực sự đem đến cho người thưởng thức những cảm giác ẩm thực độc đáo, mới lạ!”.
   Cũng có lẽ lâu lắm rồi, đường phố Kon Tum mới có dịp rộn ràng theo tiếng cồng, tiếng chiêng, theo từng điệu múa xoang nhịp nhàng như thế. Cùng với các chương trình diễn tấu các nhạc cụ dân tộc độc đáo đầy màu sắc, đã đưa không gian văn hóa lễ hội, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên và một số tỉnh thành đến gần với người dân và du khách hơn bao giờ hết. Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” là một trong những điểm nhấn đầy ấn tượng trong lòng bạn bè và du khách gần xa.


Không gian văn hóa người Xơ Đăng phục dựng tại Bảo tàng tỉnh trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018. Ảnh: Nguyễn Đang

   Ông Hà Triều Hiệp – giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho hay, đây là lần đầu tiên được chứng kiến và trải nghiệm Lễ hội đường phố độc đáo, với sự tham gia diễn xuất của nhiều nghệ nhân như vậy. Ông Hiệp chia sẻ: “Tôi đặc biệt thích thú với hình ảnh những cô bé, cậu bé mặc đồ dân tộc đeo mặc nạ, đi cà kheo, đánh cồng chiêng và múa xoang rất dẻo và điệu nghệ. Trong bối cảnh nền văn hóa phát triển như hiện nay nhưng các em vẫn hăng say, nhiệt huyết tham gia biểu diễn nét độc đáo văn hóa của dân tộc mình như thế quả thật rất đáng mừng. Có dịp, chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình đến Kon Tum để trải nghiệm cho biết”.
   Lễ hội đường phố có sự tham gia trình diễn của hơn 700 học sinh, nghệ nhân của 17 đoàn thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh bạn Quảng Ngãi, Quảng Nam, An Giang. Trên các tuyến phố chính, trong trang phục truyền thống với nhiều sắc màu rực rỡ, âm thanh tiếng cồng tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng, những vũ điệu múa xoang uyển chuyển, nhịp nhàng, những cảnh hoạt náo tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất, đã tạo nên nét riêng biệt, hấp dẫn đối với người xem.
   Điểm nổi bật trong đội hình trình diễn các đoàn là màn đi cà kheo, màn múa nhảy tưng bừng vui nhộn với hình nộm, mặt nạ, khiêng, giáo, mác của đội chiêng nhí là những học sinh của thành Kon Tum. Với dáng hình nhỏ nhắn, trong trang phục thổ cẩm dân tộc, các em tự tin bước đi theo nhịp điệu chiêng trên cây cà kheo được kết nối từ các thanh tre cứng cáp. Dù đoạn đường di chuyển khá xa nhưng các em vẫn luôn tươi cười, thể hiện hết mình, mang lại niềm vui cho người xem.
   Chị Lâm Thị Sa Ry – diễn viên Đoàn Nghệ thuật An Giang tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tỉnh Kon Tum mời tham gia các hoạt động của Tuần Văn hóa-Du lịch. Có nhiều hoạt động gây cho tôi và các thành viên trong Đoàn Nghệ thuật An Giang từ bất ngờ này đến sự thú vị khác về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Trong đó, phải kể đến sự trải nghiệm đầy thú vị trong không gian “mùa giữ rẫy” của dân tộc Xơ Đăng, các trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật tạc tượng gỗ, đặc biệt là những bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của Lễ hội đường phố…”.
   Dấu ấn đậm nét không kém trong lòng du khách là đêm bế mạc tràn ngập tiếng cồng chiêng và những nhịp xoang truyền thống. Đó là những âm thanh, điệu vũ đặc trưng của đại ngàn, vốn là linh hồn của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Những bộ trang phục truyền thống lấy cảm hứng từ hoa văn, phong cách đặc trưng, được các nhà thiết kế thời trang cách điệu thành trang phục dùng trong lễ hội, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày và sử dụng trong công sở, vừa mang nét truyền thống, vừa lịch lãm, vừa hiện đại. Đây cũng là lần đầu tiên 42 mẫu trang phục độc đáo và bản sắc được giới thiệu với công chúng.


“…trang phục độc đáo, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại thể hiện bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Kon Tum…” Ảnh: Lê Lâm

   “Tôi vô cùng thích thú và ấn tượng với phần trình diễn trang phục truyền thống của các chàng trai, cô gái đến từ 7 dân tộc tại chỗ của tỉnh Kon Tum: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, B’Râu, Rơ Măm và H’rê trong đêm bế mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018. Bởi vì, nó thể hiện phong cách trang phục độc đáo, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại thể hiện bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Kon Tum…” – chị Chris Tela, một du khách người Bỉ chia sẻ .
   Nói về ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này, đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018, nhấn mạnh: Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời với miền trầm tích văn hóa hàng nghìn năm. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, cùng với sự giao thoa, Kon Tum hội tụ sự đa dạng của nhiều nền văn hóa với một kho tàng Sử thi hùng tráng, mang đậm tính nhân văn. Cùng với đó, tiếng cồng chiêng đã hòa nhịp ngân vang từ bao đời nay đã góp phần tạo nên Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và  phi vật thể của nhân loại.
   “Không những thế, việc tổ chức sự kiện này nhằm tôn vinh, giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Kon Tum; đồng thời, tạo không gian cho các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc hiện đang sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng và kết nối với cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nam bộ nói chung, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước .” – đồng chí Nguyễn Văn Hòa khẳng định.
                                                          TN
Số lượt xem:2964
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum.
Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà A, Trung tâm hành chính  hội nghị tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260.3862538 ; Fax: 0260.3861497; Email: svhttdl@kontum.gov.vn.
2610 Tổng số người truy cập: 2744 Số người online:
TNC Phát triển: